Nhiều ngôi biệt thự cũ tại Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Người dân hàng ngày đang phải đánh cược mạng sống trong những ngôi nhà chờ sập. Mới đây vụ sập biệt thự cổ 105-107 Trần Hưng Đạo cho thấy nhiều vấn đề trong việc quản lý biệt thự cổ.
Thống kê của UBND TP. Hà Nội cho thấy, hiện nay quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP. còn khoảng 1.253 biệt thự. Trong đó, theo phân loại có đến 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về kiến trúc, các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biệt thự đã bị phá dỡ trước khi có Nghị quyết 18. Trong 312 biệt thự được liệt vào dạng đã bị biến dạng này, có không ít biệt thự được đánh giá đẹp nằm trên những con phố lớn như Hoàng Hoa Thám, Triệu Việt Vương, Tăng Bạt Hổ… khiến không ít người xót xa.
Hiện trường vụ sập biệt thự cổ 105-107 Trần Hưng Đạo ngày 22/9 (Ảnh: Phạm Hải-VNN) |
Trên thực tế, từ vài năm nay tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm không quá hiếm. Ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã phải sửa chữa, phá một phần hoặc phá đi xây lại các ngôi biệt thự này khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nhanh chóng, các đường nét kiến trúc cũng hoàn toàn bị phá hủy.
Trong khi đó mâu thuẫn giữa việc đảm bảo chỗ sống cho người dân và việc bảo tồn các biệt thự cổ đã trở nên gay gắt từ nhiều năm qua. Cho đến nay Hà Nội vẫn chưa tìm được lối thoát. Thành phố từng cho phép người dân đang ở trong các khu biệt thự đã xuống cấp di dời để cải tạo, sửa chữa biệt thự sẽ được ưu đãi mua nhà ở xã hội, tuy nhiên cho đến nay công tác này vẫn dậm chân tại chỗ. Hoặc đối với những ngôi biệt thự chung sở hữu, Thành phố cũng chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để xử lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Sự thờ ơ, nửa vời của Hà Nội trong quản lý biệt thự cổ cũng gây nhiều bức xúc cho các chuyên gia về đô thị. Ngay cả những con số thống kê tưởng chừng cụ thể Thành phố đưa ra cũng không hoàn toàn chính xác. Điển hình là nhiều biệt thự đã bị người dân tự ý đập bỏ, xây mới, cơi nới, phá hủy kiến trúc ban đầu nhưng chính quyền hoàn toàn không biết, hoặc có những biệt thự đang rất chắc chắn lại bị liệt vào diện bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND TP. Hà Nội, đã có sự buông lỏng trong quản lý nhà biệt thự. Vì nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự dối trá của cơ quan quản lý, không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay. Còn theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, sẽ đến lúc Hà Nội không còn biệt thự cổ nữa bởi lẽ người dân, nếu so với nhu cầu sinh hoạt bức thiết, những giá trị về lịch sử và kiến trúc trở nên mơ hồ, kém quý giá hơn nhiều.
Hà Nội còn rất nhiều biệt thự xuống cấp cần cải tạo (Ảnh: Hồng Khanh-VNN) |
Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội (QH-KT), thành phố còn khoảng 200 ngôi biệt thự cổ, kiến trúc Pháp đang rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ nát. Sở QH-KT đã dựa vào chất lượng và công năng sử dụng để phân biệt thự kiến trúc Pháp thành 4 loại. Các ngôi biệt thự kể trên bị xếp vào hạng biệt thự nguy hại nghiêm trọng hoặc biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Đồng thời, nhiều giải pháp được nêu ra nhưng đến nay, tình trạng biệt thự cổ kiến trúc Pháp xuống cấp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề khó nhất là tìm giải pháp bố trí chỗ ở mới cho người dân đang sống tại đây.
Tháng 7.2013, TP.Hà Nội đã ra nghị quyết về phương án hỗ trợ chỗ ở cho người dân trong 4 quận nội thành cũ. Trong đó, các đối tượng chính sách được ưu tiên mua nhà ở xã hội tại các dự án trong thành phố. Cụ thể, đối với trường hợp những người dân đang ở trong các khu biệt thự đã xuống cấp sẽ phải di dời để cải tạo, sửa chữa biệt thự. Dù vậy, đến nay tình trạng sống khổ sở ở nhiều biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp ở Hà Nội vẫn chưa được cải thiện.
Không chỉ bế tắc trong sinh kế, đa số người dân được hỏi đều băn khoăn về chất lượng nơi ở mới là các nhà tái định cư. “Nếu nhà mới mà chất lượng giống các khu nhà tái định cư như Trung Hòa - Nhân Chính thì tôi chả tha thiết. Người dân sống khổ cực tại các khu chật chội dột nát được chuyển đến, sau vài năm, lại bị quay trở lại nhà dột nát. Mà đến nay, ít thấy ở Hà Nội có khu nhà tái định cư nào chất lượng đảm bảo”, một người dân sống trong biệt thự cổ cho biết.
Hiện UBND TP.Hà Nội đang giao các sở, ngành chức năng rà soát lại toàn bộ các nhà biệt thự cổ kiến trúc Pháp có người dân ở để có phương án xử lý. Tuy nhiên, thông tin từ UBND TP cũng cho biết, khó nhất vẫn là phương án di dời người dân sao cho nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Minh Anh (tổng hợp)
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected] |