Các tình nguyện viên dự án Swipe Safe tham gia khóa tập huấn giảng viên nguồn về an toàn trên mạng được ChildFund tổ chức hồi trung tuần tháng 3/2018 (Ảnh ChildFund Việt Nam cung cấp) |
Swipe Safe - dự án “An toàn trên mạng” hiện đang được tổ chức ChildFund Việt Nam triển khai tại TP.Hòa Bình, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình); TP.Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và TP.Cao Bằng, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng). Có thời gian thực hiện kéo dài trong 3 năm, từ tháng 7/2017 và sẽ kết thúc vào 6/2020, dự án Swipe Safe hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả nhất cho trẻ em thông qua việc giáo dục cho họ về những mối nguy hại trên Internet, cách thức bảo vệ và qua việc trang bị kỹ năng cho các “đối tác” an toàn mạng - phụ huynh và giáo viên.
Cũng trong thông tin cập nhật về kết quả hoạt động của dự án Swipe Safe tính đến thời điểm hiện tại, ông Bùi Duy Thành - Điều phối viên dự án cho biết, cùng với việc tổ chức 213 khóa tập huấn về An toàn mạng cho 5.336 thanh thiếu niên và 15 khóa tập huấn cho 698 phụ huynh, trong hơn 1 năm qua, đã có 82 thành viên nòng cốt thuộc Đoàn thanh niên tại 3 tỉnh thuộc vùng triển khai dự án được tập huấn, trong đó có hơn 20 Đoàn viên trở thành Cộng tác viên chính thức của dự án Swipe Safe; 745 giáo viên và nhân viên trường học được tập huấn về An toàn mạng và được tham vấn về xây dựng chính sách nội quy an toàn mạng trong trường học. “Dự kiến đến tháng 6/2019, 37 trường thuộc dự án sẽ hoàn thiện khung nội quy chính sách về an toàn mạng này”, ông Thành cho hay.
Cùng với đó, trong khuôn khổ dự án Swipe Safe, thời gian qua, đã có 9 chương trình truyền thông tổ chức bởi Đoàn thanh niên và nhà trường tại các địa phương đến được với gần 3.000 trẻ, phụ huynh và cán bộ nhà nước trên địa bàn. Ngoài ra, đã có 1 hội thảo chủ đề “An toàn mạng cho trẻ em” dành cho đối tượng là chủ các quán Internet được tổ chức ở Cao Bằng, thu hút khoảng 70% các quán Internet trên địa bàn tham gia.
Đáng chú ý, Điều phối viên dự án Swipe Safe Bùi Duy Thành cho biết thêm: “Kết quả khảo sát sơ bộ của dự án cho thấy, sau tập huấn, số trẻ nhận thấy mình bị thiếu an toàn trên mạng đã giảm 15% và số trẻ cảm thấy mình tự tin, an toàn trên mạng đã tăng 30%; số trẻ không biết lúc nào và cái gì nên chia sẻ trên mạng giảm 40%; số trẻ không biết cách cài đặt và bảo mật quyền riêng tư của mình giảm 60%; số trẻ có hành vi thiếu an toàn trên mạng như gửi ảnh nóng cho người lạ giảm 95% và trẻ đều nắm được các cách thức xử lý an toàn hơn khi bị gạ gẫm hoặc quấy rối tình dục trên mạng”.
Theo ước tính của ChildFund Việt Nam, kết thúc dự án Swipe Safe, sẽ có hơn 12.000 thanh thiếu niên; 2.700 phụ huynh; 900 giáo viên, cán bộ công tác xã hội, cán bộ nhà nước và các chủ các quán Internet được tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động của dự án (Ảnh ChildFund cung cấp) |
Số liệu khảo sát được ChildFund thực hiện tại 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Hòa Bình ngay trước thời điểm dự án Swipe Safe bắt đầu được triển khai (năm 2016) đã cho thấy, trẻ em dành trung bình 180 phút mỗi ngày để truy cập Internet. Trong khi đó, 3/4 phụ huynh lại không có thói quen kiểm soát thời gian truy cập mạng của con cái. “Số liệu cho thấy mối liên kết rằng, những trẻ mà có phụ huynh ko kiểm soát thời gian sử dụng mạng thì dành nhiều thời gian trên mạng hơn các trẻ em khác”, đại diện ChildFund lưu ý.
Có tới 2/3 phụ huynh không biết các ứng dụng con đang sử dụng trên mạng cũng như con cái mình đang làm gì trên mạng; và trên 90% phụ huynh, giáo viên và các cán bộ cơ sở vẫn đang có những hiểu nhầm cơ bản về 6 đặc tính của Internet, dẫn đến việc bản thân họ sử dụng mạng thiếu an toàn và kiểm soát, cũng như không có công cụ để giáo dục con em 1 cách bài bản và thuyết phục về việc sử dụng mạng.
Kết quả khảo sát còn chỉ ra rằng, có tới 64% trẻ em đã từng bị người lạ liên hệ qua mạng Internet; 53% trẻ em nữ và 65% trẻ em nam đã từng gặp bạn bè trực tuyến ở ngoài đời thực. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến xâm hại và bạo lực.
Kết quả khảo sát của ChildFund cũng đưa ra nhiều số liệu thống kê đáng báo động khác như: 80% trẻ đã chứng kiến cảnh bảo lực và bắt nạt trên mạng và 20% là nạn nhân của vấn đề này; có tới 70% trẻ em đã từng tiếp xúc với các nội dung tiêu cực phản cảm và 75% trong số đó có cảm xúc tiêu cực như giận giữ, buồn, sợ hãi, sốc… khi xem những nội dung đó. Đáng chú ý, 19% trẻ vẫn còn những cảm xúc tiêu cực đó hàng tuần sau khi xem và 16% trẻ vẫn còn giữ cảm xúc tiêu cực khi nghĩ về trải nghiệm đó hàng tháng sau khi tiếp xúc với các nội dung này.