- Sáng 3/5, tại trụ sở Bộ TT&TT, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức hội thảo về tên miền đa ngữ (Internationalized Domain Name) để phổ biến tới cộng đồng Việt Nam về xu thế phát triển IDN.
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: B.M. |
Hội thảo có sự tham gia và trình bày của đại diện Tổ chức cấp phát tên miền Internet quốc tế (ICANN) khu vực Châu Á – TBD, các đơn vị đăng ký tên miền tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo thông tin từ VNNIC, hiện tại đã có khoảng 1 triệu tên miền tiếng Việt được cấp phát, và Việt Nam nằm trong những nước cấp phát tên miền đa ngữ nhiều nhất trên thế giới.
Cũng theo đại diện VNNIC, tên miền đa ngữ là xu thế tất yếu, có vai trò và ý nghĩa trong việc thể hiện tinh thần dân tộc, tôn vinh tiếng bản địa của mỗi quốc gia.
Trong giai đoạn từ 28/4/2011 dến 31/12/2016, phí duy trì tên miền tiêng Việt được duy trì ở mức 0 đồng để khuyến khích người sử dụng. Từ ngày 1/1/2017, theo quy định của thông tư 208/2016/TT-BTC, tên miền tiếng Việt chính thức được thu phí 20.000đ/tên miền/năm.
Cũng từ thời điểm này, VNNIC chuyển giao toàn bộ tên miền tiếng Việt được đăng ký trực tiếp tại VNNIC sang quản lý tại các Nhà đăng ký. Sau 3 tháng kể từ khi hết hạn trước ngày 31/12/2016, các tên miền tiếng Việt không nộp phí gia hạn sẽ được giải phóng về trạng thái tự do để các chủ thể khác có nhu cầu có thể đăng ký.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về vai trò và tính hiệu quả của tên miền đa ngữ IDN, ông Jia-Rong Low, Trưởng đại diện Văn phòng ICANN Châu Á – TBD cho rằng điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi quốc gia. Chẳng hạn ở Thái Lan, chính quyền dùng tên miền tiếng Thái rất hiệu quả khi giúp người dân chưa quen thuộc Internet vẫn có thể truy cập vào các website về chính phủ điện tử. Với Ấn Độ và Philippines, dù sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhưng tên miền sử dụng tiếng bản địa vẫn giúp nhiều người dân không biết tiếng Anh có thể thích nghi với Internet dễ dàng hơn, đồng thời bảo tồn được ngôn ngữ bản địa trên môi trường mạng.
Có thể dễ dàng nhận thấy việc sử dụng IDN hiệu quả thường nằm ở các quốc gia sử dụng bộ chữ viết riêng, không nằm trong hệ ngôn ngữ Latin. Điều này giúp người dân chưa có kiến thức về tiếng Anh và Internet có thể thích nghi dễ dàng hơn, và đó cũng là một trong những vai trò quan trọng IDN.
Về vấn đề tên miền IDN sẽ khiến người nước ngoài khó khăn khi gõ địa chỉ truy cập, trả lời VietNamNet, ông Jia-Rong-Low cho rằng mục tiêu của IDN là hướng tới cộng đồng người dùng bản địa hơn, và IDN hướng tới việc bảo tồn các ngôn ngữ bản địa nhiều hơn là kết nối ra bên ngoài mạng Internet toàn cầu. Vấn đề này cũng có thể giải quyết dễ dàng bằng một tên miền song song sử dụng ngôn ngữ Latin thông dụng.
Đại diện ICANN cũng cho biết Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ duy nhất sử dụng hệ ngôn ngữ Latin mà vẫn phát triển IDN. Các quốc gia khác ở châu Âu như Pháp, Ý, Đức, Nga… cũng có tỉ lệ sử dụng IDN khá cao (mặc dù thấp hơn Việt Nam) nhằm bản địa hóa tên miền theo ngôn ngữ riêng của từng nước, đồng thời giúp người dân không có ngoại ngữ dễ sử dụng Internet hơn.
H.P.