Cải cách hành chính giúp tiết kiệm 6.300 tỷ đồng/năm
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương mới đây, thông tin về kết quả cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, công tác này đã chuyển biến vượt bậc, đi vào thực chất hơn. Chính phủ đã ban hành 9 Nghị định cắt giảm 309 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện đã cắt giảm lên 3.654/6.191 điều kiện của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Cũng theo đại diện Văn phòng Chính phủ, kênh tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã phát huy tác dụng tích cực. Trong năm 2019, đã tiếp nhận 6.746 phản ánh, kiến nghị, trong đó có 1.580 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý; đã tiến hành phân loại và chuyển xử lý 1.165 phản ánh, kiến nghị; còn 415 phản ánh, kiến nghị đang được bổ sung hồ sơ. Người dân và doanh nghiệp phản hồi hài lòng với kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng đi vào nề nếp. Cả nước đã có 55/63 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%. Nhiều địa phương tổ chức tốt giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh, Hà Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc…
Hơn 1 triệu văn bản được gửi nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia
Đáng chú ý, về xây dựng Chính phủ điện tử, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, xác định những nội dung bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, tạo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, 16 nhiệm vụ về văn bản điện tử; Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định và 4 Nghị quyết thông qua chính sách xây dựng 4 Nghị định làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành Chính phủ điện tử.
Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương, đi vào vận hành chính thức từ ngày 9/12/2019 (Ảnh: Q.Bảo) |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia và chính thức đưa Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp của Chính phủ (e-Cabinet), Cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành. “Việc triển khai Chính phủ điện tử minh bạch, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, từ những việc cụ thể, nên đã huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước”, Văn phòng Chính phủ nhận định.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Quyết định 28 ngày 12/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, 95/95 cơ quan nhà nước đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, trong đó 64/94 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền. Sau gần 9 tháng vận hành, đã có hơn 1 triệu văn bản, gồm 300.000 văn bản gửi và 700.000 văn bản nhận, trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tính toán sơ bộ, tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Ghi nhận nỗ lực của các Bộ: TN&MT, TT&TT, Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ… và các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Long An, An Giang, Kon Tum, Cần Thơ, Hà Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long và Quảng Ngãi.
Hệ thống e-Cabinet đi vào vận hành góp phần giảm thời gian họp, đẩy mạnh xử lý công việc qua môi trường mạng. Ngoài phục vụ các phiên họp Chính phủ thường kỳ không giấy tờ, trong 6 tháng, đã xử lý 186 phiếu điện tử lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế 5.022 phiếu giấy.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ cho hay, mối quan hệ giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ công thời gian qua đã tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ sau 9 tháng triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành với 8 nhóm dịch vụ công được thực hiện trên Cổng. Qua tính toán sơ bộ, tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện 8 nhóm dịch vụ khoảng 4.222 tỷ đồng/năm. Chỉ sau 15 ngày khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có 5,5 triệu lượt truy cập; 13.445 tài khoản đăng ký; 1.070 cuộc gọi đến tổng đài giải đáp; 47.378 hồ sơ đồng bộ lên Cổng; và 4.176 hồ sơ nộp trực tuyến.
Theo thống kê, đã có 59/63 địa phương tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo tiền đề quan trọng cho việc công khai minh bạch kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tham nhũng vặt.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm xử lý hồ sơ từ Cổng dịch vụ công quốc gia; hay có địa phương không chấp nhận văn bản ký số điện tử, vẫn yêu cầu bản giấy; xảy ra một số lỗi kỹ thuật do quá trình kết nối, tích hợp. “Đây là những vấn đề phải được chấn chỉnh, khắc phục ngay”, đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.