Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử trong năm 2016, tính đến hết năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô và chấp thuận khai thác tuyến cố định; tích hợp các thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong quý I/2017, Bộ Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ đến năm 2020. Trong 3 tháng đầu năm nay, Bộ GTVT cho biết về công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã ban hành và triển khai kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017.

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô đã chính thức được mở rộng đến 63 Sở GTVT. Trước đó, từ giữa tháng 11/2016, 10 dịch vụ công trực tuyến mức 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải và cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô sẽ được triển khai cung cấp thí điểm tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Cùng với đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ danh sách 145 dịch vụ công ưu tiên thực hiện trong năm 2017. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 55 dịch vụ công trực tuyến được hoàn thành và đưa vào thử nghiệm.

Trong quý II/2017, Bộ GTVT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đưa vào sử dụng 40 dịch vụ công trực tuyến mức 3 trong lĩnh vực hàng không; tổ chức rà soát, hoàn thiện báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp tạo đột phá trong lĩnh vực xã hội hóa dịch vụ công của ngành GTVT.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra quyết định  ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử (Nghị quyết 36a). Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết 36a, trong đó tập trung tăng cường ứng dụng CNTT trong ngành GTVT để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đưa Bộ GTVT trở thành bộ dẫn đầu về xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, kế hoạch của Bộ GTVT đã xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể như: Xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quản lý điều hành gồm các hệ thống ứng dụng dùng chung và các hệ thống ứng dụng chuyên ngành đảm bảo kết nối, liên thông toàn ngành, tiến tới đến năm 2020 đạt được chỉ tiêu 100% các thông tin quản lý điều hành được thực hiện trên môi trường mạng; Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, phấn đấu đến hết năm 2016, 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp ở mức độ 3, tăng cường triển khai các dịch vụ hành chính công mức độ 4. Đồng thời, xây dựng các hệ thống ứng dụng giám sát, quản lý điều hành giao  thông, đảm bảo an toàn giao thông và trực tiếp cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng CNTT.

Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.