Đã có 224 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động

Danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động tính ngày 31/3/2017 vừa được Cục PTTH&TTĐT đăng tải công khai trên website của đơn vị tại địa chỉ http://abei.gov.vn.

Theo danh sách này, trong số 224 doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, có 52 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận trong năm 2017, bao gồm: Công ty CP Dịch vụ thông tin Việt Nam; Công ty CP Truyền thông Sand Việt Nam; Công ty TNHH Modica; Công ty CP Đầu tư Bắc Thủ Đô; Công ty TNHH Truyền thông và Giải pháp công nghệ Lâm Anh; Công ty CP Mobicom Việt Nam; Công ty CP Phúc Thành Việt Nam; Công ty CP VIDIGI (thay thế Giấy chứng nhận cũ); Công ty CP HNI Việt Nam; Công ty CP Truyền thông HDJSC;  Công ty TNHH Mobinet; Công ty truyền thông Viettel…

Bên cạnh đó, trên website của đơn vị mình, Cục PTTH&TTĐT cũng vừa công bố danh sách 89 doanh nghiệpđược cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp - PV) trên mạng. Có thời hạn kéo dài 10 năm, trong 89 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng, có 52 doanh nghiệp được cấp phép trong năm 2015, 30 doanh nghiệp được cấp phép trong năm 2016 và 7 doanh nghiệp được cấp phép trong quý I/2017.

Các doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng trong năm 2017 gồm có: Công ty TNHH Media Express; Công ty TNHH Thực tế ảo Horus, Công ty TNHH Công nghệ Blue Mobile Việt Nam, Công ty Hoàng Linh, Công ty cổ phần ABT Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Cuộc Sống Mới và Công ty CP INET.

Đồng thời, Cục PTTH&TTĐT còn công bố danh sách 131 trò chơi(game) được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản game G1 trên mạng; danh sách 29 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2 (trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp - PV), G3 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp - PV) và G4 (trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp - PV); danh sách 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận thông báocung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4.

Khoản 1 Điều 27 Nghị định 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72) quy định rõ, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động sau khi đã đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định của Bộ TT&TT.

Cũng theo quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ TT&TT cấp. Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 khi có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin điện tử, trong kết luận hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT tháng 4/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của các đại lý quảng cáo là đối tác của doanh nghiệp nước ngoài trong tháng 6/2017; phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ nghiên cứu biện pháp quản lý việc sử dụng thẻ cào điện thoại, thẻ game cho thanh toán điện tử, chơi trò chơi điện tử trực tuyến, báo cáo Lãnh đạo Bộ trong quý II/2017.

Đồng thời, Cục PTTH&TTĐT cũng được yêu cầu phải tăng cường trao đổi, làm việc, phối hợp với các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube, Google và các dịch vụ mạng xã hội khác để góp phần làm lành mạnh môi trường thông tin trên mạng; tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử vi phạm.

Doanh thu dịch vụ nội dung số năm 2016 tiếp tục tăng trưởng

Thông tin từ Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT cho hay, năm 2016, ước tính tổng doanh thu Công nghiệp CNTT Việt Nam đạt khoảng 58 tỷ USD, tăng trưởng hơn 14% so với năm 2015. Trong đó, cùng với 2 lĩnh vực phần cứng-điện tử và phần mềm, dịch vụ nội dung số cũng đã có sự tăng trưởng doanh thu trong năm 2016. Với kết quả đạt được trong năm 2016, số liệu thống kê của Vụ CNTT cũng chỉ ra rằng, trong 7 năm qua, kể từ năm 2010 cho đến hết năm ngoái, công nghiệp CNTT Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, liên tục tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, từ mức doanh thu trên 7,62 tỷ USD của năm 2010 lên hơn 25,45 tỷ USD vào năm 2012 và tiếp tục nâng tổng doanh thu của ngành lên ước đạt 58 tỷ USD trong năm 2016, tăng trưởng hơn 14% so với năm 2015 và gấp hơn 7,6 lần so với doanh thu của ngành đạt được năm 2010.