Đâu là độ dài lý tưởng?
91% nhà tuyển dụng tham gia trả lời khảo sát đã nói rằng hai trang là độ dài hoàn hảo của một bản CV.
Thông thường, nội dung ít hay nhiều, tài liệu dài hay ngắn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm và lịch sử làm việc của mỗi cá nhân. Chẳng hạn người mới tốt nghiệp ra trường không có nhiều thông tin trình bày so với người đã làm việc trong ngành suốt 30 năm.
Mặc dù khi đã giàu kinh nghiệm thì sẽ có nhiều điều để kể, nhưng bạn vẫn nên cô đọng nội dung CV vào các sự kiện chính và những chi tiết cụ thể liên quan. Nếu có thể, hãy trình bày tất cả trên một trang. Còn không thể, tốt nhất cũng chỉ tối đa hai trang.
(Nguồn ảnh: Freepik) |
Phông chữ nào tốt nhất cho CV?
Khi chọn phông chữ trình bày lý lịch, quan trọng nhất là tính đơn giản.
Hãy chọn những phông chữ dễ đọc, màu đen, cỡ 12 như Times New Roman, Georgia, Bell MT, Goudy Old Style, Arial, Tahoma, Century Gothic, hoặc Lucida Sans, đồng thời đảm bảo rằng bạn sử dụng nó một cách xuyên suốt và nhất quán.
Với tiêu đề, để dễ theo dõi và nổi bật, bạn có thể tuỳ chỉnh cho cỡ chữ lớn hơn một chút, kiểu chữ đậm hoặc in nghiêng, và thậm chí viết hoa nếu nó phù hợp với định dạng và phong cách CV của bạn.
Bí quyết giảm độ dài cho CV
Không nhất thiết bạn phải viết hết tất cả mọi thứ. Bạn quảng cáo bản thân để ứng tuyển vào một vai trò nhất định, chứ không cần trình bày mọi câu chuyện trong đời mình.
Lấy ví dụ với lịch sử làm việc: Nếu khi mới 14 tuổi bạn đã từng làm công việc giao báo và giai đoạn đó đã rèn cho bạn sự tự tin, tuy nhiên nếu bạn không phải là ứng viên tiềm năng cho vị trí nào đó đòi hỏi kinh nghiệm giao hàng hay hiểu biết về hệ thống giao thông, vận chuyển thì có lẽ nhà tuyển dụng cũng không mấy quan tâm đến những chi tiết này.
Bạn có đang lặp lại chính mình?
Khi soạn CV, chúng ta thường bị lặp ý. Nếu bạn đã nói rằng sự tháo vát, tính linh hoạt là một trong những phẩm chất nổi bật của mình, thì có lẽ không cần nhắc lại rằng bạn cũng rất linh động và thích nghi tốt với các tình huống mới.
(Nguồn ảnh: Freepik) |
Bạn có sợ khoảng trắng hay không?
Gần như các nhà tuyển dụng thường sẽ đọc lướt qua CV của ứng viên, nên hãy tránh nhồi nhét thông tin càng nhiều càng tốt.
Mục tiêu quan trọng là thu hút sự chú ý và khiến nhà tuyển dụng quan tâm. Hình thức trình bày có thể cũng quan trọng như nội dung. Đừng sợ những khoảng trắng! Hãy viết chữ in đậm, sử dụng dấu đầu dòng (bullet) cho những vị trí thích hợp.
Dành sự tập trung vào những thông tin bạn muốn nhà tuyển dụng nhìn thấy, và thu hút sự chú ý đến các sự kiện hoặc bất kỳ chi tiết nhỏ nào mà bạn nhận định rằng nó liên quan. Mạnh dạn loại bỏ những thông tin không cần thiết khác.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng việc căn chỉnh lề và đổi kiểu chữ là cách xử lý thông minh cho mục tiêu này, thực tế nó chỉ khiến CV của bạn nổi bật hơn nhưng với sai mục đích.
Bạn có dùng kèm thư xin việc hay thư tự giới thiệu?
Một lá thư xin việc được viết cẩn thận là điều cần thiết dù bạn ứng tuyển bất cứ công việc gì. Thư xin việc nên được sử dụng với mục đích mở rộng thành tích trong quá khứ và giải thích lý do vì sao bạn là ứng viên lý tưởng nhất cho vị trí đang tuyển dụng. Nó cũng là cách tuyệt vời để xoá bỏ một giai đoạn ngắt quãng trong lịch sử làm việc.
Một lần nữa, không có thông tin nào nên sử dụng lặp lại. Hãy sử dụng không gian cho phép để phác thảo rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp, nhấn mạnh các dự án hoặc mối quan tâm cụ thể nào mà nó khiến bạn nổi bật hơn.
Bạn đã đi thẳng vào vấn đề chưa?
Hãy nhắc về các điểm mạnh, nhưng luôn đi thẳng vào vấn đề!
Cũng như các nội dung liên quan khác, có những từ hoặc cụm từ có thể không cần viết ra. Hãy viết ở ngôi thứ nhất nhưng xoá bớt từ “Tôi” khi liệt kê các ý chi tiết. Tương tự như vậy với các câu có gồm chữ lặp đi lặp lại chẳng hạn như “một” hay “a”, “an”, “the” trong tiếng Anh.
Ví dụ như câu: “Gần đây tôi đã được chọn để quản lý một nhóm 5 thành viên, tôi đã giám sát họ trong dự án cụ thể kéo dài ba tháng”. Bạn có thể viết ngắn gọn lại là “Quản lý nhóm 5 chuyên gia trong một dự án kéo dài ba tháng”. Cách trình bày này không chỉ giúp làm giảm độ dài CV mà còn làm câu văn chủ động hơn, mang cho bạn cảm giác “quyền lực” lớn hơn.
(Nguồn: CareerBuilder)