Du học sinh Việt Nam thường ghi điểm với bề dày kiến thức, sự chăm chỉ, tuy nhiên lại thường bị “chê” phần kỹ năng.
Đề án Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra lấy ý kiến được kỳ vọng tạo ra sự biến đổi to lớn về tương lai cho hàng triệu học sinh phổ thông.
Trước hết phải ghi nhận rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã là một bước tiến bộ đáng kể khi có sự học hỏi có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Việc thiết kế dựa trên nội dung (content-based curriculum) chuyển sang dựa trên năng lực (competency-based curriculum) sẽ tạo ra một hướng đi hoàn toàn mới: giáo dục vì học sinh, thay vì giáo dục vì kiến thức.
Khởi nguồn từ những nỗ lực của nước Mỹ trong cải cách đào tạo giáo viên những năm 1960, cho tới nay, giáo dục dựa trên năng lực đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp nhận và coi đó là định hướng để xây dựng một nền giáo dục hiện đại chuẩn mực.
Điểm nhấn nổi bật nhất chương trình mới đó là việc trao lại quyền tự do lựa chọn của chủ thể lớn nhất, sản phẩm quan trọng của giáo dục: các em học sinh.
Muốn phát triển đúng xu thế phát triển, nền giáo dục Việt Nam cần phải thoát khỏi vị thế của một ngành độc quyền; bỏ việc “ban phát” kiến thức, kỹ năng để trở về đúng vị trí của ngành dịch vụ công phi lợi nhuận, cung ứng cho “khách hàng”: học sinh-công dân những phẩm chất, kiến thức, và kỹ năng cần thiết để sống và tham gia lao động kiến tạo các giá trị xã hội. Hiện thực hoá được hướng đi đó, việc trao trả lại quyền tự do lựa chọn môn học cho học sinh là một bước đi tất yếu.
Việc phân chia ra thành môn học bắt buộc (core modules) và môn học tự chọn (optional modules): chỉ 7 môn bắt buộc đối với THCS, và 3 môn bắt buộc đối với THPT thay vì 13 môn như hiện nay sẽ giúp học sinh có quyền tự chủ lớn hơn đối với việc học và có định hướng nghề nghiệp tương lại tốt hơn. Tập trung tích hợp mạnh ở cấp học thấp, phân hoá từng bước ở cấp học cao hơn là xu hướng chung của các ở nền giáo dục tiên tiến.
Ở Anh, việc phân chia thành giáo dục cơ sở bắt buộc (GCSE) và giáo dục định hướng (A-level) đã giúp nước Anh luôn duy trì được sự cân bằng giữa nguồn lực lao động thông thường và lao động bậc cao qua đào tạo đại học. Học sinh Anh thường định hướng rõ được từ rất sớm các em sẽ trở thành ai, làm nghề gì ít nhất 3 năm trước ngưỡng cửa của trường đại học. Điều mà rất nhiều học sinh Việt Nam còn đang lúng túng, dẫn đến tình trạng chọn sai nghề (job-mismatch), góp phần gây mất cân bằng nguồn lực lao động.
Đã từ lâu lắm rồi, học sinh Việt Nam mơ ước được quyền chọn lọc môn học phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên các em luôn bị trói quá chặt bởi chương trình chung quốc gia với yêu cầu phải học đều, học đủ tới 13 môn học, tạo ra một áp lực học tập không cần thiết và vẫn không hiệu quả. Do đó, hoàn toàn có quyền đặt hi vọng rằng tinh thần đổi mới tích cực của chương trình phổ thông mới sẽ là một sự cởi trói kịp thời, muộn còn hơn không đối với những thế hệ học sinh trong tương lai.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật. Ảnh: duhoc.vn |
Trong môi trường giáo dục nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường ghi điểm ngoạn mục với bề dày kiến thức, sự chăm chỉ và khả năng tập trung làm việc độc lập, tuy nhiên lại thường bị “chê” phần kỹ năng: kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng quản trị thời gian, và đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm…
Chương trình giáo dục phổ thông cũ có phần phải chịu trách nhiệm về lỗ hổng đào tạo này. Từ trước tới nay trong nhà trường ở các cấp học chưa có các môn học kỹ năng hay các hoạt động học tập chú trọng đến việc bồi dưỡng các kỹ năng cho học sinh. Trong khi kỹ năng lại thứ không thể rèn luyện sau một vài ngày hay vài tháng, không thể “luyện thi cấp tốc”, mà cần phải có quá trình đào tạo dài lâu và kiên trì. Đó là lỗi của học sinh hay lỗi của chương trình dạy?
Chính vì vậy, bổ sung các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, được thiết kế một cách khoa học, phong phú hơn về nội dung và hình thức tổ chức hoạt động, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học… có thể được coi là một cơ hội lớn để chúng ta có quyền hi vọng vào những thế hệ học sinh Việt Nam giỏi kiến thức, thành thạo kỹ năng, tự tin, năng động và sáng tạo trong tương lai.
Giờ Ngữ văn sẽ không chỉ còn là đọc chép, mà còn là thuyết trình, diễn kịch… để nâng cao khả năng tự tin giao tiếp. Giờ Giáo dục Công dân sẽ không chỉ còn là cô hỏi trò trả lời, mà còn là học thông qua tình huống, trải nghiệm ngoài lớp học… đó là điều mà rất nhiều học sinh đang mong đợi.
Việc tích hợp các môn học, Khoa học tự nhiên thay vì Vật Lý, Hoá, Sinh… hay Khoa học xã hội thay Lịch sử, Địa lý… cũng là một xu hướng mới mà một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã áp dụng. Phần Lan là một ví dụ điển hình, sẽ là những trải nghiệm vô cùng mới mẻ và gia tăng hứng thú học tập đối với học sinh.
Các môn học hoàn toàn không phải bị “xoá sổ” mà ngược lại còn được thống nhất và bổ trợ cho nhau, góp phần giúp học sinh vô hình dung học đều kiến thức, phát triển toàn diện hơn.
Những mối lo cũ
Bên cạnh những thay đổi mang tính tích cực và đầy hi vọng đối với phụ huynh và học sinh, chương trình phổ thông mới cũng đặt ra những câu hỏi thật không dễ trả lời đối với các nhà hoạch định và quản lý giáo dục.
Với hạ tầng giáo dục còn nhiều hạn chế như ở nước ta hiện nay, việc áp dụng chương trình mới chắc chắn đặt ra rất nhiều những thách thức không hề nhỏ. Giáo viên đang dạy Sinh phải làm gì để có thể truyền tải tốt được các kiến thức Hoá, Lý cho học sinh trong môn học tích hợp Khoa học tự nhiên? Phải chăng là cần thời gian và lộ trình lâu dài hơn để có đủ thời gian đào tạo và chuẩn hoá lại được lực lượng giáo viên đảm bảo đủ năng lực để vận hành chương trình mới.
Việc giao thêm quyền tự do lựa chọn cho học sinh là một điểm tích cực, nhưng làm thế nào để tư vấn và định hướng cho các em có thể lựa chọn được những môn học cần thiết và phù hợp cho sự phát triển riêng của từng cá nhân. Làm thế nào để giải được bài toán “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”, lớp học Hoá thì đông lớp học Sử thì vắng… vốn vẫn đang làm đau đầu toàn ngành giáo dục.
Hoàn toàn không phải vô lý khi có ý kiến cho rằng “Chương trình phổ thông mới như một bài thơ viết vội” với bước đi có phần gấp gáp. Một chương trình phổ thông mới đầy khởi sắc và đem lại nhiều hi vọng biến chuyển tốt đẹp hơn cho ngành giáo dục, cho thế hệ tương lai của đất nước sẽ cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện và sâu sắc hơn để thực sự trở thành một “chiếc áo đẹp” mà toàn dân đang mong đợi; chứ không phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn “bình mới rượu cũ”.
Hoàng Huy