Ngày 2/1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, đối với ông Hoàng Quốc Vượng (sinh năm 1963), từng là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Đây là diễn biến mới khi Cơ quan điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Ông Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, từng tốt nghiệp trường mỏ MGRI tại Nga. Ông Hoàng Quốc Vượng từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Năm 2010, ông Vượng được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh dấu khoảng thời gian liên tục thay đổi vị trí công tác từ quản lý nhà nước về doanh nghiệp rồi lại quay về làm quản lý nhà nước.
Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo; môi trường và phát triển bền vững...
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Giai đoạn 2013 - 2015, EVN đã hoàn thành vượt kế hoạch hàng năm Nhà nước giao, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia (gồm điện sản xuất và mua) trong 3 năm là 430,7 tỷ kWh, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,67%/năm.
Đáng chú ý, tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn này đạt 10,86%, gấp 1,8 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (6,03%).
Trong 3 năm (2013-2015), EVN đã đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện với tổng số vốn là 338.378 tỷ đồng.
EVN đã đưa vào vận hành 18 tổ máy phát điện thuộc 11 dự án nguồn điện, với tổng công suất 6.434 MW. Đồng thời, hoàn thành 591 công trình lưới điện 110 kV - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 8.000 km, tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm là khoảng 30.500 MVA.
Đến tháng 1/2015, ông Vượng lại thôi giữ chức Chủ tịch EVN để giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Trong quãng thời gian ở vị trí này, ông Vượng tiếp tục được giao quản lý nhiều lĩnh vực, trong đó chủ chốt là năng lượng.
Các cơ chế chính sách liên quan đến điện mặt trời, điện gió đều được tham mưu, ban hành trong thời gian ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đó là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió.
Các cơ chế với mức giá cao đã giúp cho năng lượng tái tạo có khoảng thời gian "bùng nổ" ở Việt Nam.
Kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030) đặt mục tiêu lắp đặt 850 MW công suất điện mặt trời, tuy nhiên Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư (23 dự án với tổng công suất 5.200 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; 31 dự án với tổng công suất 5.321 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2021-2025).
Trong khi đó, Bộ Công Thương không lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020. Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận việc phê duyệt 54 dự án trên (tổng công suất 10.521 MW) là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm khi Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời dưới 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà không phải lập quy hoạch điều chỉnh.
Ngoài sai phạm về bổ sung ồ ạt nguồn điện, kết luận thanh tra còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong hướng dẫn và tham mưu ban hành giá mua điện ưu đãi FIT; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư các dự án điện gió, mặt trời…