Trước đó, ngày 28/5, anh N.V.C. (41 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) bị xe máy đâm khi đi bộ qua đường về nhà. Sau cú va chạm mạnh, anh C. bất tỉnh ngay tại chỗ, được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, anh T. được xác định đa chấn thương, gãy xương gò má, gãy xương thùy sọ, vỡ xương chậu, gãy chân, dập phổi phải, vỡ gan phải…

Qua 2 tuần điều trị tích cực, anh C. qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vì gia đình neo người, không ai chăm sóc nên anh chuyển về Bệnh viện quận Thủ Đức để tiếp tục chữa. Lúc này, anh C. trong tình trạng khó thở, tràn dịch màng phổi, xương chậu được cố định.

Tại đây, anh C. được các bác sĩ đặt ống dẫn lưu giúp dịch màng phổi thoát ra ngoài để có thể thở được. Tuy nhiên, dịch ở phổi vẫn tiết ra liên tục 100-200 ml mỗi ngày nên không thể rút ống dẫn lưu.

{keywords}

Anh C. được các bác sĩ mở đường mổ ngực để đưa gan về vị trí ổ bụng. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Quân cho biết, bệnh viện đã mở cuộc hội chẩn liên khoa gồm Khoa Ngoại Lồng ngực, mạch máu, Ngoại tổng quát, Ngoại thần kinh, Ngoại tiết niệu - Nam khoa, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh…

Qua phân tích lâm sàng, các xét nghiệm, hình ảnh CT, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đã bị vỡ cơ hoành, phần ngăn cách giữa gan và phổi, khiến gan chui lên lồng ngực, chèn ép và làm xẹp phổi phải. Đồng thời, dịch từ bụng qua cơ hoành thoát lên phổi khiến phổi luôn có hiện tượng tràn dịch mỗi ngày.

Nếu đây là giả thuyết đúng, bệnh nhân cần tái tạo lại cơ hoành, đưa gan trở về vị trí cũ càng sớm càng tốt. Tình trạng này để lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng và phần phổi bị chèn ép không thể nở lại, hư tổn và phải cắt bỏ. Khi đó, dù phẫu thuật thành công, chức năng hô hấp của bệnh nhân sẽ giảm rất nhiều.

Các bác sĩ đã thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp từng phần cho cuộc mổ.

Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, bác sĩ phẫu thuật chính, cho biết, đúng như dự đoán, cơ hoành bệnh nhân C. đã bị vỡ lỗ rất to (kích thước 15x15cm) khiến gan phải chui lên nằm ở lồng ngực, đè ép và làm xẹp phổi phải.

{keywords}

Anh C. được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

“Gan và phổi dính chặt nhau trong thời gian dài nên chúng tôi không thể bóc tách gan ra khỏi phổi để đưa gan xuống ổ bụng bằng đường mổ bụng. Vì vậy, ê-kíp quyết định chẻ xương ức, mở đường mổ ngực để bóc tách gan và phổi ra.

"Sau đó, chúng tôi đưa gan về vị trí ổ bụng, khâu và tái tạo lại chỗ vỡ của cơ hoành, đặt lưới nhân tạo phòng ngừa thoát vị tái phát. Đồng thời, ê-kíp gỡ dính phổi và màng phổi sau đó đặt dẫn lưu màng phổi và ổ bụng. Song song đó, bệnh nhân cũng được gỡ khung cố định ngoài của xương chậu", bác sĩ Mai Hóa kể lại.

Sau hơn 6 giờ, ca phẫu thuật kết thúc và bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực. 

Hiện anh C. đã dần ổn định sức khỏe, tiếp xúc tốt, gan hồi phục và về đúng vị trí ổ bụng, phổi đã giãn nở được hơn 2/3 phế nang. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tích cực tập vật lý trị liệu để phổi trở về kích thước ban đầu, khôi phục chức năng tuần hoàn hô hấp.

Trong thời gian tới, ngoài việc theo dõi tiến triển của phổi, bệnh nhân sẽ được chuyển qua Khoa Chấn thương chỉnh hình để điều trị tiếp vùng xương chậu bị gãy và được đặt nẹp vít chỗ gãy cổ chân trái.

Liên Anh

Người đàn ông ‘tháp nghiêng’ trải qua cuộc phẫu thuật chưa từng có

Người đàn ông ‘tháp nghiêng’ trải qua cuộc phẫu thuật chưa từng có

Đôi chân so le cách nhau tới 11cm khiến ông Vượng di chuyển vô cùng khó nhọc, người nghiêng lệch một bên suốt 4 thập kỷ.