Đây là 1 trong 8 đại học thuộc khối Ivy League (Mỹ) và cũng là trường đại học top đầu thế giới ở cả 2 bảng xếp hạng QS và THE.

Du học không học bổng

Nguyễn Khánh Vy (1997) tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Kinh tế TP. HCM. Tuy nhiên, Vy lại yêu thích mảng công nghệ và làm việc tại Microsoft ngay từ năm nhất với vị trí Microsoft Student Partners (MSP).

Du vậy, bất ngờ là sau khi ra trường, Vy từ chối lời mời làm việc tại 1 số công ty và quyết định du học. Vy nhận ra tấm bằng MBA tại Mỹ sẽ giúp thăng tiến nhanh chóng lên các chức vụ cao và trợ lực cho bản thân khi làm việc trong mảng công nghệ.

Rải đơn rất nhiều trường và được Đại học North Florida chấp thuận, tuy không có học bổng, Vy vẫn nhập học và quyết tâm trả học phí bằng việc đi làm.

“Mình đã thông báo với bố mẹ mình sẽ đi, cho dù có không được học bổng đi chăng nữa” - Vy chia sẻ.

{keywords}
Nguyễn Khánh Vy (bên phải) từng 2 lần bỏ việc lương cao để tiếp tục học thạc sĩ (Ảnh: NVCC)

Gia đình không quá khá giả, Vy thực sự bối rối khi bản thân phải xoay sở mọi chi phí học tập và sinh hoạt. Vừa bước chân sang Mỹ, Vy đã làm 1 lúc nhiều công việc: dạy đàn, chạy quảng cáo Facebook, Google, làm marketing tại hãng thời trang, làm dự án… Cô gái chia sẻ thời điểm đó, bản thân đã gần như kiệt sức vì việc học trên trường và đi làm trang trải sinh hoạt phí.

“Do đăng ký học tại trường từ 16h-20h mỗi ngày nên mình đi làm từ sáng cho đến 3h chiều. Đến tối, sau khi hoàn thành công việc tại trường, mình về nơi ở và tiếp tục học bài cho đến khoảng 1h-2h sáng” - Vy nhớ lại.

Sau một thời gian, Vy mạnh dạn nộp đơn xin việc vào vị trí Data Analyst (phân tích dữ liệu) tại The One Trading - công ty về hàng tiêu dùng nhanh. Nhờ kinh nghiệm quản lý và khả năng ứng dụng công nghệ sau 4 năm làm việc tại Microsoft, Khánh Vy nhanh chóng thăng tiến đến vị trí Data Manager (Quản lý bộ phận dữ liệu).

“Thời điểm đó, công ty đang chạy 1 dự án xây dựng hệ thống. Mình đã đứng ra nhận và hoàn thiện sau hơn 1 năm. Lúc đó, Giám đốc đã đề bạt mình với vị trí Quản lý” - Vy chia sẻ.

{keywords}
(Ảnh: NVCC)

Có công việc tốt, được trả lương hậu hĩnh, đồng thời tốt nghiệp Thạc sĩ với GPA 3.96/4.0, thế nhưng, một lần nữa, Vy lại quyết định bỏ việc.

Chuyển hướng sang Khoa học dữ liệu

Vào thời điểm đó, Vy muốn học tiếp 1 bằng Thạc sĩ về Data Science (Khoa học dữ liệu) vì nhận thấy bản thân đã có các kỹ năng mềm tốt về quản trị, quản lý nhưng khả năng làm việc với dữ liệu còn kém.

“Mình làm việc với dữ liệu nhiều, nhưng kỹ năng cứng về nó còn thiếu và cần phải được nâng cấp” - Vy chia sẻ. Ngoài ra, cô nàng cũng muốn xây dựng thêm mối quan hệ với những người đi trước, cũng như cơ hội làm việc cho các ông lớn công nghệ như Microsoft, Google, Amazon…

Sau 1 thời gian tìm hiểu trên mạng, Vy nhận thấy UPenn đứng trong top các trường đào tạo ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) và quyết định nộp vào trường. 

“May mắn rằng, gia đình và người thân đều ủng hộ với lựa chọn của mình” - Vy nói.

Tuy nhiên, chương trình Thạc sĩ Data Science của Upenn yêu cầu rất khắt khe. Trường yêu cầu thí sinh phải có GPA trung bình trên 3.9, trình độ tiếng anh xuất sắc, 2 thư giới thiệu ‘bảo mật’ và 1 bài luận.

{keywords}
Nguyễn Khánh Vy trong ngày tốt nghiệp (Ảnh: NVCC)

Do Vy đã có bằng MBA từ trước nên 2 tiêu chí về GPA và tiếng Anh đã ổn. Về phần thư giới thiệu, Upenn yêu cầu thư từ 2 Giáo sư và phải được bảo mật, không cho thí sinh xem.

“Mình chỉ được biết thư chuyển chưa hay đang ở trong giai đoạn nào” - Vy kể.

Cũng theo Vy, phần khó nhất chính là viết bài luận. Trong suốt khoảng thời gian 1 tháng, Vy luôn suy nghĩ về cách giúp bài luận của mình trở nên nổi bật so với các thí sinh khác. 

“Mình viết về chủ đề ‘Sinh viên kinh tế không có kiến thức lập trình’ kể lại quá trình mình đã chuyển từ chuyên ngành kinh tế ở đại học sang làm mảng công nghệ” - Vy nói.

Kết quả, Vy vừa được thông báo đỗ vào ngành Data Science của Upenn. Dự định của Vy là hoàn thành chương trình học thật tốt tại trường.

“Người ta thường có định kiến về việc con gái học và làm việc trong lĩnh vực STEM nhưng bản thân mình nghĩ có đam mê và giỏi việc thì sẽ làm được tất cả” - Vy chia sẻ.

Doãn Hùng

9X dừng công việc có tương lai xán lạn để du học MBA

9X dừng công việc có tương lai xán lạn để du học MBA

Có cơ hội làm tới vị trí quản lý ở một trong những công ty kiểm toán hàng đầu, Phạm Trung Linh vẫn quyết định dừng lại, bỏ 2 tỉ tiền túi để theo học MBA tại Trường Kinh doanh Judge (CJBS), Đại học Cambridge từ tháng 9/2021.