Không khó để đưa ra một quyết định xử phạt hành chính cứng nhắc. Nhưng bao nhiêu tiền cho đủ bù đắp những tổn thất vô hình từ việc cứ khăng khăng “đóng chặt cửa”?

Giữa tháng 11, một cô giáo ở An Giang suýt bị phạt 5 triệu đồng vì bình luận về gương mặt của một cán bộ đầu tỉnh trên Facebook cá nhân. Cuối tháng 11, một giảng viên cựu quán quân Olympia công tác tại Cần Thơ bị nhà trường kỷ luật vì “tội” dùng Facebook “nói xấu nhà trường”. Vừa mới tuần trước, một cô giáo ở Long An cũng bị  cấp ủy nơi cô sinh sống xem xét kỷ luật vì dám dùng Facebook “chê” một cây cầu tại địa phương.

Giờ đây, với Facebook và các Mạng xã hội (MXH), thông tin, kể cả chuyện bí mật được các cá nhân đưa ra liên tục và có khi lan truyền với tốc độ chóng mặt. Không chỉ vậy, bình luận của người đưa thông tin cũng đóng vai trò quan trọng thu hút dư luận.

Chuyện đúng sai của việc đưa thông tin sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật. Điều không kém phần quan trọng với các tổ chức, chính quyền là xử lý với những thông tin trên MXH sao cho tránh làm dư luận bức xúc.

Không thể phủ nhận, khi MXH phát triển, nhiều cánh cửa vốn “đóng kín” giờ dễ dàng mở ra.

Theo con số do Facebook công bố tháng 6 năm nay, mỗi ngày, có đến 20 triệu người Việt dùng Facebook với thời gian trung bình khoảng 2,5 giờ/ 1 người.
Không ít lần, việc lắng nghe tiếng nói của người dân thông qua MXH đã giúp chính quyền kịp thời điều chỉnh để có những quyết sách hợp lý, chẳng hạn quyết định rút đăng cai Asiad hồi tháng 4 năm ngoái, và nhiều sự vụ khác. Không ngoa để ví von MXH là chiếc “nhiệt kế” đo mức độ hài lòng của người dân.

Quay trở lại vụ việc xảy ra ở An Giang, Long An, điều đáng tiếc là những nơi này đã chọn cách giải quyết “cứng” để rồi phải rút lại. Còn vụ việc ở Cần Thơ vẫn chưa ngã ngũ, nhưng có vẻ lợi thế về mặt truyền thông đang nghiêng về phía giảng viên kia.

Những câu chuyện này cho thấy, đã qua rồi cái thời một quyết định hành chính có thể chấm dứt được những suy nghĩ nhiều chiều, không một chiều.

{keywords}
Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã lập Facebook để cung cấp thông tin về hoạt động của Chính phủ tới người dân

Kênh lắng nghe và đối thoại

Thực tiễn đã minh chứng rằng ngăn chặn MXH bằng mệnh lệnh hành chính là một cách ứng phó khủng hoảng không hiệu quả. Thay vào đó, chính quyền nên thích nghi và sử dụng lợi thế từ MXH để có thể đối thoại với người dân, vừa giữ hình ảnh cho mình, vừa kịp thời điều chỉnh những thông tin sai sự thật.

Tổng thống Obama là một trong những chính khách đầu tiên biết sử dụng sức mạnh của MXH để tạo hình ảnh một chính quyền thân thiện. Nhiều người hẳn còn nhớ tài khoản Twitter của ông chuyển thành nền sáu sắc cầu vồng và hashtag #lovewins khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết lịch sử có ý nghĩa đến việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn liên bang.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng dùng facebook thành thạo. Ông từng quảng bá cho Đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á Paragames đang tổ chức tại Singapore qua .

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam hồi đầu năm cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ động đưa thông tin lên MXH, để người dân tiếp cận được nhanh nhất: “Mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội”. Tháng 10 năm nay, Cổng thông tin điện tử Chính phủ của Văn phòng Chính phủ đã thử nghiệm tạo lập trên Facebook trang “Thông tin Chính phủ”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trở thành bộ trưởng đầu tiên lập Facebook .

Có thể nói đây là những bước tiến quan trọng đưa chính quyền và giới lãnh đạo đến gần hơn với cộng đồng. Điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao để các trang MXH này thực sự trở thành cầu nối hai chiều, chứ không chỉ được sử dụng là nơi phổ biến chính sách khô khan.

Không khó để đưa ra một quyết định hành chính phạt cứng nhắc. Nhưng sống trong một xã hội mở, việc từ chối đối thoại chính là từ chối cơ hội để tập hợp dư luận. Bao nhiêu tiền cho đủ bù đắp những tổn thất vô hình từ việc cứ khăng khăng “đóng chặt cửa”?

Lê Nguyễn Duy Hậu