Sáng nay (30/10), TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án cháy cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, trong đó nữ cựu cán bộ công an và chủ quán bị tuyên phạt mức án cao nhất so với nhóm bị cáo còn lại.

Trước đó, trong các ngày 24, 25/10, phiên tòa được đưa ra xét xử nhưng do có nhiều nội dung cần được làm rõ, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự an toàn PCCC, gây hậu quả nghiêm trọng làm 32 người thiệt mạng. Do đó cần có mức án phù hợp để răn đe.

le anh xuan 2.jpg
Bị cáo Lê Anh Xuân bị tuyên phạt 8 năm tù. Ảnh: X.A

Cụ thể, bị cáo Lê Anh Xuân (SN 1980, chủ quán karaoke An Phú) bị tuyên phạt mức án 8 năm tù; Bị cáo Phạm Thị Hồng (SN 1983) bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù. Đây là bị cáo bị mức phạt cao nhất trong vụ án này.

Các bị cáo Phạm Quốc Hùng (SN 1980) nhận mức án 7 năm tù, bị cáo Vũ Trường Sơn (SN 1987) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Nguyễn Thành Luân (SN 1987) bị phạt 5 năm tù cùng về tội “vi phạm các quy định về PCCC”

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Võ (SN 1985) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại, có trách nhiệm cấp dưỡng cho gia đình bị hại theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, trong cả phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Hồng liên tục kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX nhận định có đủ cơ sở để xác định Hồng phạm tội khi nhận thi công hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú.

can bo cong an.jpg
Bị cáo Phạm Thị Hồng nhận mức án 7 năm 6 tháng tù. Ảnh: X.A

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương, năm 2017, Hồng là cán bộ công an công tác tại Đội tổng hợp của Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương). Mặc dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng Hồng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú để nhận tiền.

Sau đó, Hồng thuê một người khác thi công, rồi lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với Phạm Quốc Hùng (cán bộ trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC), để tác động nhờ kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở An Phú và được Hùng đồng ý. 

toa an bd.jpg
6 bị cáo trong vụ án. Ảnh: X.A

Sau khi nhờ người thi công và tác động đối với Phạm Quốc Hùng, Hồng còn nhờ Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh (đơn vị được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC) ký vào mục đơn vị thi công trong biên bản nghiệm thu do Phạm Quốc Hùng lập, mục đích là để hợp thức hóa hồ sơ theo quy định.

Trường hợp Vũ Trường Sơn là cán bộ công an được giao nhiệm vụ phê duyệt, thẩm định phương án PCCC nhưng không thực hiện đúng quy định, dẫn đến cơ sở này đi vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện.