Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” ngày 25/12, các bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng đều được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Phóng viên tác nghiệp ở phòng báo chí, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng trình bày, trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã bị rối loạn tâm lý. Bị cáo tôn trọng mọi phán quyết của tòa và dành phần bào chữa cho các luật sư của bị cáo. Cựu điều tra viên mong HĐXX cho bị cáo được vắng mặt suốt phiên tòa phúc thẩm.
HĐXX cho biết sẽ xem xét đề nghị xin được xét xử vắng mặt của bị cáo Hoàng Văn Hưng.
Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, bị cáo Hoàng Văn Hưng trình bày: Bị cáo rất ân hận, rất hối tiếc về hành vi sai phạm đã xảy ra. Bị cáo tôn trọng mọi phán quyết của tòa và đã tác động gia đình khắc phục hậu quả vụ án
Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn xin xét xử vắng mặt, nhưng sáng 25/12, bị cáo vẫn có mặt tại tòa.
Bị án Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa) dù không có đơn kháng cáo nhưng cũng bị tòa triệu tập. Tuy nhiên, ông Sơn có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do bị bệnh.
Đại diện VKS cho rằng, việc ông Sơn vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử bởi trước đó người này đã có nhiều lời khai liên quan đến vụ án.
Có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo bản án sơ thẩm, ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) đòi hỏi, đưa ra giá, các bị cáo thuộc Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác dù không thỏa thuận, yêu cầu phải đưa bao nhiêu tiền nhưng đều gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp trước hoặc sau các chuyến bay. Sau đó, các doanh nghiệp đều đưa tiền cảm ơn.
Số tiền cảm ơn dựa trên số lượng các chuyến bay, số khách trên các chuyến bay, thường ở mức tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn. Việc nhận tiền của các bị cáo diễn ra thường xuyên, liên tục, vượt quá mức lương công chức rất nhiều.
Tại CQĐT và tại tòa, các bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đều thừa nhận, nếu không đưa tiền thì doanh nghiệp của các bị cáo sẽ không được tạo điều kiện tốt để thực hiện những chuyến bay. Việc đưa tiền phải thực hiện trước hoặc sau các chuyến bay. Việc đưa tiền là chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp để tiếp tục được cấp phép chuyến bay.
HĐXX cấp sơ thẩm cũng nhận định, sau khi nhận tiền các bị cáo nhóm tội "Nhận hối lộ" đã chiếm hưởng, sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc các luật sư nói đó là tiền cảm ơn, không phải tiền hối lộ là không đúng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) kháng cáo, xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bản án sơ thẩm xác định ông Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất, với số tiền lên tới hơn 42 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS cho rằng bị cáo Kiên có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội một cách "trắng trợn", nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền lớn nhất nên đã đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Ở phần tuyên án, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, mức hình phạt tử hình mà đại diện VKS đề nghị với bị cáo là tương ứng với hành vi phạm tội.
Nhưng tại CQĐT, tại tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tác động gia đình nộp tiền khắc phục hơn 42 tỷ đồng, bị cáo có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng.
Vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm nhận thấy không cần thiết áp dụng hình phạt loại trừ bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục chung. Việc này nhằm khuyến khích những người phạm tội tham nhũng tích cực khai báo, nộp tiền khắc phục để được hưởng khoan hồng. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên án tù chung thân.