- Một nhà máy luyện thép quy mô tưởng như đã mọc lên ven biển Khánh Hòa. Gần 10 năm trước, trên mặt báo nóng rẫy câu chuyện chọn biển hay thép ven bờ vịnh Vân Phong.

PV VietNamNet gặp lại ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, gợi lại câu chuyện gần 10 năm trước, khi tập đoàn Posco (Hàn Quốc) muốn đầu tư nhà máy thép liên hợp tại huyện Vạn Ninh, ven bờ vịnh Vân Phong.

Năm 2008, dù đã về hưu nhưng ông Chi vẫn kiên trì tìm kiếm, tổng hợp và phân tích các số liệu, kiến nghị Chính phủ loại bỏ dự án thép khỏi vịnh Vân Phong. Nhớ lại thời điểm đó, ông ví như thể đang chơi “Đấu trường 100”, nghĩa là phải đi ngược lại, đấu tranh với hàng trăm quan điểm trái chiều.

3 lý do chọn biển, không chọn thép

Thưa ông, nhiều người có thể cảm thấy tiếc vì một dự án với số vốn khổng lồ đã không được triển khai tại Khánh Hòa?

Tôi không nghĩ thế.

Ngay từ lúc nghe tin, tôi đã phản đối bởi dự án tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Tôi có những số liệu phân tích để thấy việc loại bỏ dự án nhà máy thép khỏi vịnh Vân Phong là xác đáng.

{keywords}

Ông Phạm Văn Chi, người đã gửi thư cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước tha thiết đề nghị không xây dựng nhà máy luyện thép tỉ đô để giữ lại vịnh Vân Phong.

Vì sao không thể triển khai nhà máy luyện thép hàng tỉ đô như đề nghị của Posco ở vịnh Vân Phong?

Thứ nhất, dự án này vào thì phải lấp biển. Theo luật, Posco chỉ được phép thuê đất và mặt nước biển, trừ khi tỉnh Khánh Hòa bỏ tiền lấp biển để đối tác thuê. Nếu vậy ngay từ lúc đầu tỉnh đã phải mất một số tiền rất lớn, chưa kể việc lập biển sẽ tác động đến hệ sinh thái.

Thứ hai, dự án tuy rất lớn nhưng về hiệu quả kinh tế không cao.Tiền thu từ phí thuê đất, mặt nước rất nhỏ. Họ nhập quặng về luyện thành sản phẩm rồi xuất khẩu, mình cũng không thu được thuế VAT. Hơn nữa, nếu tính toán thì lượng thép sản xuất ra trên thế giới đã vượt quá nhu cầu sử dụng.

Quan trọng nhất, một nhà máy thép mọc lên ở đây sẽ là hiểm họa tiềm tàng cho môi trường. Cứ hình dung để luyện 1 tấn quặng ra thép phải mất 3 tấn than. Với công suất 15 triệu tấn thép thì mỗi năm lượng bã than thải ra sẽ nhiều vô kể. Nếu lấy diện tích 1 cây số vuông thì mỗi năm lượng bã xả ra sẽ cao lên 3m. Chưa kể lượng bã từ quặng sắt xả sau khi luyện.

Có đề xuất dùng chất bã đó để trộn xi măng. Nhưng thời điểm đó công suất xi măng cả nước chỉ 300.000 tấn/năm, trong khi chất bã đó trộn vào xi măng chỉ có tỉ lệ 1%. Nghĩa là để dùng hết số chất bã theo cách đó, mỗi năm Việt Nam phải sản xuất được 30 tỉ tấn xi măng. Một con số không tưởng!

Chưa hết, lượng nước thải ra biển trong quá trình luyện quặng cũng sẽ đe dọa môi trường biển. Dự án này mọc lên sẽ khiến cho hàng nghìn dân lân cận thiếu ô xy, có thể gây ra mưa a xít trong khu vực. Không chỉ vịnh Vân Phong mà theo dòng hải lưu, vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cương quyết không tham quan dự án Posco

Thời điểm đó, ông có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục lãnh đạo TƯ và địa phương?

Nhận thấy các nguy hiểm tiềm tàng nên tôi kiên trì nêu quan điểm, đề nghị không xây dựng nhà máy. Rất nhiều khó khăn bởi lúc ấy lãnh đạo địa phương và các bộ ngành đã đồng thuận về chủ trương. Thực tế, tháng 1/2008, Chính phủ cũng đồng ý chủ trương cho lập dự án.

{keywords}
Một góc Đầm Môn thuộc vịnh Vân Phong (Vạn Thạnh, Vạn Ninh), nơi tập đoàn Posco từng đề nghị xây dựng nhà máy luyện thép tổng hợp với số vốn hơn 11 tỉ USD.

Tôi tự tìm tòi các thông tin, dữ liệu rồi tập hợp, phân tích, sau đó gửi kèm thư cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các Phó Thủ tướng. Thời điểm ấy rất nhiều tờ báo, trong đó có VietNamNet đã tham gia phản biện tính khả thi của dự án.

Kết quả, sau đó Tổng bí thư đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo, xem xét kỹ lưỡng dự án. Lúc ấy tỉnh lại mời tôi và một số chuyên gia, cán bộ sang Hàn Quốc tham quan dự án của Posco nhưng tôi cương quyết không đi.

Nhiều người lúc đó đề xuất kéo dự án về phía nam vịnh Vân Phong, gần nhà máy đóng tàu Huyndai Vinasin để có thể xử lý vấn đề môi trường đồng bộ?

Không thể xây dựng nhà máy luyện thép ở vịnh Vân Phong, dù là bố trí khu vực nào cũng thế. Lý do như tôi đã đề cập ở trên. Hơn nữa, Hyundai Vinashin trước chỉ sửa chữa tàu đã gây ô nhiễm lớn, hiện tại lượng hạt nix thải ra vẫn còn chất thành núi, chưa biết bao giờ xử lý hết.

Vịnh Vân Phong là của hiếm không chỉ ở Việt Nam mà tầm khu vực và thế giới, có thể xem là vịnh sâu nhất và rất kín gió. Tôi đã đề cập nhiều lần rằng nên xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế, vừa tận dụng được lợi thế tự nhiên, hiệu quả kinh tế cao lại bảo vệ được môi trường.

Hiện tại việc xây cảng trung chuyển phải dừng nửa chừng do các lý do khách quan. Nhưng chiến lược phát triển cho tương lai phải có cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, kết hợp phát triển du lịch bền vững.

Cao Thái