Cựu chủ tịch Facebook Sean Parker vừa công khai lên tiếng chỉ trích công ty cũ cũng như bày tỏ sự quan ngại về mạng xã hội này trong một cuộc phỏng vấn mới.
Ông Parker là chủ tịch đầu tiên của Facebook và hiện là một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, người đồng sáng lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ truyền phát nhạc trực tuyến Napster vào năm 1999. Ông Parker từng sáng lập cả chuyên trang chia sẻ video Airtime nhưng nền tảng này không thu hút sự chú ý của người dùng. Hiện, ông là người sáng lập và chủ tịch Viện miễn dịch trị liệu ung thư Parker.
Ông Sean Parker bày tỏ sự quan ngại về bản chất gây nghiện cũng như các ảnh hưởng tiêu cực, ngoài mong muốn của Facebook đối với người dùng. |
Trong cuộc phỏng vấn vừa được hãng thông tấn Axios đăng tải, ông Parker đã có những lời công kích nặng nề đối với nền tảng mạng xã hội của công ty cũ. Theo tỉ phú công nghệ này, Facebook được thiết kế để khai thác cách mọi người suy nghĩ và cư xử.
Ông Parker nói đã xuất hiện "những hậu quả ngoài mong muốn" khi Facebook đạt tới ngưỡng 2 tỉ người dùng, tương đương với việc cứ 7 người trên Trái đất thì có 2 người sử dụng Facebook.
"Facebook thực sự đã thay đổi mối quan hệ của các bạn với xã hội, mối quan hệ giữa mọi người với nhau. Nó có thể cản trở hiệu suất lao động theo những cách kỳ lạ. Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với bộ não của con cái chúng ta", ông Parker nhấn mạnh.
Ông Parker cũng đề cập tới bản chất gây nghiện của Facebook, khiến rất nhiều người dùng không thể dứt bỏ nó. Ông cho biết, tất cả là do thiết kế, vì việc nhận được "like" hay bình luận cho mỗi thông điệp bạn đăng tải sẽ mang tới cho bạn một liều dopamine (hoóc môn tạo cảm giác dễ chịu, hạnh phúc) nhỏ.
"Đây chính là thứ một hacker muốn vì nó khai thác một điểm yếu trong tâm lý của con người. Các nhà đầu tư, các nhà sáng chế ... đều nhận thức rõ điều này nhưng họ vẫn làm", ông Parker giải thích.
Ông Parker không phải là cựu nhân viên Facebook duy nhất từng bày tỏ các quan ngại về bản chất gây nghiện của mạng xã hội này cũng như các ảnh hưởng tâm lý - xã hội của nó. Justin Rosenstein, kỹ sư đã tạo ra nút "Like" (Thích) cho Facebook đã thừa nhận trên báo Guardian hồi tháng trước rằng: "Việc con người tạo ra mọi thứ với ý định tốt nhưng rốt cuộc phải đối mặt với cả những hậu quả tiêu cực, ngoài mong muốn là rất phổ biến".
Facebook hiện vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào về các phát biểu của cựu chủ tịch công ty.
Cùng với hai đối thủ là Twitter và Google, Facebook đang phải đối mặt với sự soi xét của nhà chức trách Mỹ về sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của công ty. Cả 3 đại gia công nghệ này đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tuần trước về tác động của các mạng xã hội đối với cuộc bầu cử tổng thống ở nước này hồi năm ngoái cũng như cáo buộc các cơ quan, tổ chức Nga đã lợi dụng truyền thông xã hội để gieo rắc sự bất hòa trong dân chúng ra sao. Trong khi Facebook cố gắng dàn hòa, các nhà lập pháp Mỹ tái nhắc đến khả năng ban bố các quy định siết chặt quản lý các công ty truyền thông xã hội.
Tuấn Anh (theo CNET, BBC)