XEM CLIP:
Khu nhà thờ Bác rộng hơn 1.000m2 do vợ chồng cựu chiến binh Vũ Như Thông (SN 1934) và bà Huỳnh Thị Thuyền (SN 1947) dành dụm lương hưu xây dựng trên mảnh đất gia đình ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng trong khu vườn rộng hơn 1.000m2. Bên ngoài cổng uy nghiêm với hàng chữ “Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bên trong gồm tượng đài Bác, nhà thờ chính và khu lưu niệm với những kỷ vật, ký ức liên quan đến Bác...
Đã 86 tuổi nhưng ông Thông vẫn minh mẫn. Rót chén trà, ông Thông say sưa kể những câu chuyện về Bác và dẫn đi khắp nhà thờ, giải thích từng đồ vật, kỷ vật đang trưng bày tại đây.
Ông kể, năm 1955, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia bộ đội ở chiến trường Quảng Đà (Quảng Nam Đà Nẵng cũ) rồi tập kết ra Bắc.
Năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Để đảm bảo bí mật, đồng đội đặt cho ông cái tên “Tử Vi Dân” với ý nghĩa: “Vì nhân dân hy sinh”.
Vào thời điểm này, ông quen với cô y tá quân y nhỏ hơn 13 tuổi là Huỳnh Thị Thuyền và sau này hai người nên duyên vợ chồng.
"Mong muốn thờ phụng Bác như người thân..."
Hòa bình lập lại, vợ chồng ông Thông chọn mảnh đất Trà My để định cư. Tại đây, ông công tác qua nhiều chức vụ như: Chủ tịch, Bí Thư thị trấn Trà My.
Đặc biệt, trong khi giữ chức Chủ tịch cựu chiến binh huyện Trà My, ông Thông không nhận đồng lương nào.
Nhà thờ Bác Hồ được vợ chồng ông Thông xây trong vườn nhà |
Nói về lí do xây nhà thờ Bác, ông Thông tâm sự, khi tập kết ra Bắc, ông đã 3 lần được gặp Bác Hồ, và hình ảnh Bác luôn trong tâm trí...
"Thời gian ở Bắc, được đồng đội quê Bắc Ninh tặng cho một bức tranh vẽ Bác bằng đá, lúc nào cũng nghĩ có Bác Hồ bên cạnh. Khi có gia đình, ông đặt bức tranh Bác lên bàn thờ, rồi thờ như cha mẹ" - ông Thông nhớ lại.
Và cũng chừng ấy thời gian, năm nào cứ đến ngày 2/9, ông Thông lại làm mâm cơm để giỗ ngày mất Bác Hồ.
“Trong suốt thời gian công tác rồi nghỉ hưu, lúc nào trong tâm thức tôi cũng muốn xây dựng một nhà thờ Bác với mong muốn thờ phụng, lo hương khói cho Bác như người thân trong nhà. Ngoài ra, thờ Bác để con cháu noi gương học tập tinh thần, đạo đức cao thượng của người”, ông Thông nói.
Trằn trọc, suy nghĩ hằng đêm, cuối cùng ông Thông cũng bàn với vợ về mong muốn xây dựng nhà thờ Bác.
Nếu có tiền vẫn sưu tầm thêm tư liệu về Bác
Nhà thờ Bác gồm một tượng đài và khu nhà thờ, lưu niệm |
Nhận được sự đồng thuận của vợ, ông Thông bắt tay vào xây dựng nhà thờ Bác. Với số tiền lương hưu mấy chục năm tích góp, ông Thông tất tả khắp nơi mua, tìm tư liệu về Bác Hồ.
Năm 2008, bức tượng Bác Hồ uy nghiêm dựng lên khiến ông cũng như bạn bè, bà con bản làng thấy rất ấm lòng.
Bức tượng Bác Hồ cao 1,6m được ông Thông lặn lội từ quê nhà xuống làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhờ các thợ làm.
Phía dưới bức tượng Bác có ghi mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười. Quên tuổi già tươi mãi tuổi đôi mươi. Người rực rỡ một mặt trời cách mạng. Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng. Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người...".
Năm 2009, sau khi hoàn thành nhà thờ, khu tưởng niệm. Ông Thông tiếp tục lặn lội từ Bắc vào Nam tìm kiếm những tư liệu nói về cuộc đời Bác để bổ sung vào nhà lưu niệm.
"Đến nay, nhà lưu niệm có gần 1.000 bức tranh ảnh, kỷ vật liên quan đến Bác”, ông Thông tự hào.
Tượng Bác Hồ cao 1m6 đặt trước nhà thờ |
“Sau khi dựng tượng và xây nhà thờ Bác với chi phí gần 200 triệu cũng là lúc gia đình hết tiền. Vợ chồng tôi, cứ dành dụm tiền lương hưu được bao nhiêu thì xây dựng bấy nhiêu thôi.
Đến nay, toàn bộ khu thờ Bác gồm 1 tượng đài, 1 nhà thờ chính và 3 nhà thờ phụ chi phí hết gần 1 tỷ. Nhưng nếu có tiền tôi vẫn tiếp tục xây dựng và siêu tầm thêm tư liệu về Bác”, ông Thông tâm sự.
Ông Thông cho hay, từ khi có nhà thờ, khách thập phương hay ghé thăm viếng và nhang khói cho Bác. Tôi làm công trình này để ngày nào cũng được gần Bác và ai cũng vào thăm được....
Bên trong nhà thờ, ông Thông thờ Bác và lưu niệm những kỷ vậy quý, tài liệu liên quan đến Bác |
Ông Thông cho hay, trong những kỷ vật ông quý nhất hai nắm đất được lấy từ nhà bố và mẹ của Bác Hồ ở Nghệ An |
Vợ chồng ông Võ Như Thông và bà Huỳnh Thị Thuyền |
Hằng ngày ông Thông mở cửa nhà thờ để khách thập phương ghé thăm nhà thờ Bác |
Người đàn ông mím chặt môi quay thước phim cuối cùng về Bác Hồ
Ông Nguyễn Thanh Xuân là 1 trong 2 nhà quay phim được nhận nhiệm vụ ghi lại những thước phim xúc động sau khi Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng vào mùa thu năm 1969.
Lê Bằng