Jim Balsillie, cựu đồng Tổng Giám đốc BlackBerry, thừa nhận iPhone của Apple đã hủy diệt hãng smartphone lừng danh của Canada.
Trong lần phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi rời BlackBerry năm 2012, ông Balsillie thừa nhận công ty không thể cạnh tranh sau khi iPhone ra mắt năm 2007 và Storm, smartphone màn hình cảm ứng đầy lỗi của BlackBerry, có “tỉ lệ trả về 100%”.
Jim Balsillie, đồng sáng lập kiêm cựu đồng Tổng Giám đốc BlackBerry. Ảnh: Internet |
Tại câu lạc bộ Empire, Toronto (Canada), cựu Tổng Giám đốc BlackBerry tiết lộ sự hấp tấp mang lại kết quả khủng khiếp. Verizon, nhà mạng Mỹ đồng thời là khách hàng lớn nhất của họ, đã ra đi.
Ông Balsillie nói tất cả những điều trên trong mục Hỏi - Đáp với Jacquie McNish và Sean Silcoff, hai tác giả của cuốn sách mới “Losing the Signal. The Spectacular Rise and Fall of BlackBerry” (tạm dịch: "Đánh mất tín hiệu. Thăng trầm ngoạn mục của BlackBerry").
Từng là người tiên phong năm 1999, BlackBerry đã thay đổi văn hóa công sở thông qua việc giúp các doanh nhân truy cập email không dây. Sau đó, Apple giới thiệu mẫu điện thoại còn xử lý được nhiều thứ hơn ngoài email và gọi điện.
“Với Storm, chúng tôi cố gắng làm quá nhiều. Nó có màn hình cảm ứng, màn hình click được, ứng dụng mới, tất cả đều làm trong thời gian ngắn không thể tin nổi và khiến chúng tôi bị thổi bay. Đó là thời điểm tôi biết rằng chúng tôi không thể cạnh tranh về phần cứng cao cấp”.
BlackBerry vẫn tiếp tục là công ty phát triển nhanh nhất thế giới trong 2 năm nhờ doanh số thiết bị tầm thấp tại các thị trường mới nổi, tuy nhiên, đó là khi mọi thứ bắt đầu chuyển dịch. Nhà mạng AT&T và Apple tạo “cơn địa chấn” khi AT&T tạo điều kiện để Apple phát triển các dịch vụ như duyệt web nhanh, tải video. BlackBerry không theo kịp. “Đó là điều rất khó và thực sự là cú sốc đối với công ty”, Balsillie nói.
Khi iPhone và điện thoại chạy Google Android ngày càng phổ biến, ông tin rằng BlackBerry cần mở dịch vụ BlackBerry Messenger (BBM) cho các nền tảng khác. Trong khi mọi người nghĩ BlackBerry kiếm nhiều tiền từ phần cứng, thực chất mảng dịch vụ vẫn có lãi. Dù vậy, công ty chỉ mở cửa BBM sau khi Balsillie từ chức và khi các ứng dụng nhắn tin khác như WhatsApp đã trở nên vô cùng mạnh mẽ.
Hiện tại, BlackBerry chỉ nắm một thị phần nhỏ bé trên thị trường smartphone Mỹ sau khi đã chiếm gần 50% thị phần năm 2009. Dù từng là công ty giá trị nhất Canada với giá trị thị trường khoảng 83 tỷ USD thời điểm tháng 6/2008, giá cổ phiếu BlackBerry tụt dốc không phanh từ 140 USD xuống chưa đầy 10 USD, đẩy giá trị thị trường xuống còn khoảng 5 tỷ USD.
BlackBerry đang cố chống chọi bằng cách chuyển dịch thành công ty phần mềm và bảo mật doanh nghiệp. Balsillie hi vọng bộ máy quản lý mới may mắn. Cuối cùng, khi được hỏi đang mang điện thoại nào, ông tiết lộ vẫn đang sử dụng BlackBerry Bold và khẳng định: “Bạn chỉ có thể lấy nó ra khỏi đôi bàn tay đã chết, lạnh lẽo của tôi”.
Theo ICTnews/AP