Sáng nay (24/4), tại phiên tòa xét xử vụ Sabeco, HĐXX dành thời gian cho cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tự bào chữa.
Ông Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việc Sabeco thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đề xuất của Sabeco chứ không phải theo chỉ đạo từ phía Bộ.
Thực chất việc thoái vốn xảy ra sau khi bị cáo được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng nên bị cáo không còn tư cách, khả năng gì để chỉ đạo quá trình thoái vốn.
“Tội danh quy cho tôi, thấy rằng quá nặng nề, không phù hợp với tình hình thực tế. Với mức án như đại diện VKS đề nghị, với tình trạng sức khỏe của tôi như thế này, giả định việc đề nghị án của VKS được HĐXX quyết định, liệu tôi có đủ thời gian để chấp hành quyết định này hay không”, lời bị cáo Hoàng.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu đến tòa |
Trình bày trước tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương nói: “Từ khi CQĐT khởi tố vụ án đến nay, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở. Nhưng ngày hôm nay, tôi thực sự bất ngờ trước kết luận của đại diện VKS về tội phạm có liên quan đến cá nhân tôi”.
Theo trình bày của ông Vũ Huy Hoàng, với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ năm 2007, khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, bị cáo không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc Sabeco triển khai dự án.
Đến năm 2012, Sacebo chủ động báo cáo Bộ về những khó khăn trong việc triển khai dự án khi các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính.
Lúc đó đang xảy ra khủng hoảng bất động sản, sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án này rất hạn chế. Nhu cầu của Sabeco về văn phòng làm việc là cần thiết.
Thời điểm Sabeco gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 26. Với Nghị quyết này, Chính phủ mở ra khả năng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“Tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết hay không, đề nghị HĐXX xem xét... Nếu tôi có mắc khuyết điểm thì đó là quá quan tâm, nhiệt tình, lo lắng chia sẻ những khó khăn của Sabeco”, ông Hoàng tự bào chữa.
Quan điểm của luật sư
Bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi: Vì lý do gì mà Sabeco Pearl lại được trực tiếp thực hiện nghĩa vụ tài chính, để rồi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Theo luật sư, điều này cần được làm rõ.
Ông Thiệp đưa ra quan điểm: Hồ sơ vụ án thể hiện một số cá nhân của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước hoàn toàn độc lập, chủ động thỏa thuận chuyển đổi nội dung cơ bản từ “Hợp đồng nguyên tắc” sang “Hợp đồng số 01” mà không được HĐQT thông qua.
Bộ phận quản lý vốn Nhà nước cũng không báo cáo, xin ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này. Đây phải coi là sự tự ý và không chấp hành chủ trương, chỉ đạo của Bộ của một số cán bộ Bộ phận quản lý vốn Nhà nước.
Luật sư cho rằng, dù Sabeco đã có đề nghị như thế nào, nhưng đó cũng chỉ là “đề nghị”. Việc quyết định cho Sabeco Pearl được thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc về trách nhiệm của Cơ quan quản lý đất đai, đó là UBND TP.HCM.
Ngoài ra, việc xác định giá 13.247 đồng/1 cổ phần và ra thông báo số 140 có nội dung không đúng với ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, trách nhiệm trước tiên thuộc về trách nhiệm của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước và Vụ Công nghiệp nhẹ, Văn phòng Bộ Công thương.
Theo ông Thiệp, cáo trạng đã không đánh giá đúng trách nhiệm của những người này mà đẩy toàn bộ trách nhiệm cho ông Vũ Huy Hoàng là không đúng bản chất sự việc, thiếu khách quan, không công bằng.
Mặt khác, cần phải khẳng định, việc ngày 8/4/2016 Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng, vì vậy kể từ sau ngày này, ông Hoàng không thể có thẩm quyền chỉ đạo và chịu trách nhiệm về những việc xảy ra sau thời điểm đó.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị đề nghị phạt 10-11 năm tù
Sáng nay (24/4), tại phiên tòa xét xử vụ Sabeco, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) 10-11 năm tù vì tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
T.Nhung