Trong số 16 người bị VKSND tỉnh Lào Cai truy tố vì liên quan đến vụ khai thác quặng Apatit trái phép, Cựu Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo buộc, từ năm 2011- 2015, khi còn đương chức, các ông Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư tỉnh Lào Cai), Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) và Nguyễn Thanh Dương (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) biết rõ diện tích 3,77 ha tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai thuộc Khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit và thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản tại Khai trường này thuộc Bộ TN&MT.
Nhưng vì mục đích phát triển của tỉnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không phù hợp với quy định của pháp luật, các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ.
Các bị can đã ký các văn bản, giấy chứng nhận đầu tư trái quy định của pháp luật để cấp 3,77 ha đất thuộc Khai trường 18 cho Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã khai thác và tiêu thụ trái phép 1.532.709,71 tấn quặng Apatit có trị giá hơn 610 tỷ đồng.
Công ty Lilama đã thu lợi số tiền hơn 171 tỷ đồng và Công ty Apatit thu lợi hơn 184 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Vịnh với cương vị là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong giai đoạn từ 2012-2015, đã ký các văn bản, giấy chứng nhận đầu tư và có ý kiến "bút phê", chỉ đạo vào các tài liệu khác có liên quan trái quy định của pháp luật.
Việc này giúp Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép khoáng sản (quặng Apatit) tại Khai trường 18 thuộc thôn 2, xã Đồng Tuyến, TP Lào Cai thông qua thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng và việc cải tạo mặt bằng khu mỏ.
Từ tháng 8/2011- 2013, ông Doãn Văn Hưởng ngồi ghế Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai. Ông Hưởng trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác tài nguyên môi trường.
Đến tháng 12/2013- 2015, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, quá trình thực hiện công việc được giao, ngày 27/7/2012, ông Hưởng đã tham gia cuộc họp Thường trực UBND tỉnh, nhất trí với kết luận của ông Vịnh: “Đồng ý chủ trương cấp 3,77 ha cho Công ty Lilama xây dựng dự án khách sạn nhà hàng, nếu có quặng thì được tận thu…”.
Việc này dẫn đến chuyện sau đó ông Vịnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama đầu tư xây dựng dự án khách sạn nhà hàng trên diện tích 3,77 ha thuộc Khai trường 18.
Ông Hưởng cũng ký văn bản, chỉ đạo bằng văn bản giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Công thương xem xét đề nghị của Công ty Lilama về việc “giao quặng thu gom cho các cơ sở chế biến sâu”.
Ông Hưởng cũng có ý kiến bút phê tại Phiếu trình của Văn phòng UBND tỉnh ngày 25/6/2014 với nội dung: “A Dương PCT giải quyết trên cơ sở hướng ưu tiên với Công ty Apatit…”
Sau đó, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Thanh Dương đã ký văn bản cho phép Công ty Lilama tiêu thụ 30.000 tấn quặng Apatit thu được trong quá trình thi công san gạt mặt bằng thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng cho các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ông Dương còn có ý kiến đồng ý đồng ý tại Phiếu trình của chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khách sạn, nhà hàng tại diện tích 3,77 ha thuộc khai trường 18…
Quá trình điều tra, ông Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty Lilama) khai, vào năm 2014, ông Nguyễn Thanh Dương gọi ông Thừa cho thợ đến làm hàng rào sắt quanh nhà ông Dương ở TP Lào Cai.
Sau khi làm xong, chi phí tiền vật liệu và công thợ hết khoảng gần 20 triệu đồng, nhưng ông Thừa không lấy tiền của ông Dương.
Cáo buộc cho rằng, hành vi của ông Hưởng và ông Dương đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép 806.898 tấn quặng Apatit các loại, có giá trị hơn 217 tỷ đồng.
Hành vi của ông Vịnh đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 974.088 tấn quặng Apatit có trị giá hơn 312 tỷ đồng.