Ngành giao thông cho rằng việc mất chân phải sẽ không bảo đảm sức khỏe để lái ô tô nhưng ngành y khẳng định ngược lại.

Mới đây, ông L.X.Q (ngụ xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk về việc Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không đồng ý cho ông dự thi lấy bằng lái ô tô hạng B1 vì bị cụt 1/3 chân phải. Trong khi đó, cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận ông đủ sức khỏe lái xe hạng B1 và thực tế ông đã lái được ô tô số tự động.

Mỗi nơi hiểu mỗi kiểu

Trước đó, tháng 8-2016, ông Q. đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ khám sức khỏe để thi bằng lái xe hạng B1. Trong đó, ở mục 7, phần II (khám cơ xương khớp) ghi kết quả khám “cụt 1/3 đùi (P) ngang gối” và ở phần IV (kết luận): “Sức khỏe loại III, đủ điều kiện lái ô tô hạng B1”.

Tuy nhiên, khi ông Q. đến đăng ký học và thi bằng lái xe tại Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên thì nơi đây yêu cầu ông đến hỏi cơ quan quản lý nhà nước là Sở GTVT. Sau đó, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Đến giữa tháng 9-2016, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế.

{keywords}

Văn bản của Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định cụt một chân vẫn được lái xe hạng A1 và B1

Ngày 27-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản số 1124/KCB-PHCN&GĐ phản hồi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk với nội dung: Ngày 21-8-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe cơ giới và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe cơ giới.

Mục cơ xương khớp trong bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới được ban hành tại phụ lục số 1 kèm theo thông tư trên quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới thuộc nhóm 1 (hạng A1 - xe máy) và nhóm 2 (hạng B1) là “Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)” là không đủ điều kiện lái xe hạng tương ứng”.

Do đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã dùng phương pháp loại trừ và kết luận “Đối với trường hợp cụt 1 cẳng chân hoặc 1 cẳng tay và các chân hoặc tay còn lại toàn vẹn (không cụt và không giảm chức năng) thì đủ điều kiện để học lái xe thuộc nhóm 1 và nhóm 2”.

Như vậy, căn cứ văn bản trả lời này, ông Q. chỉ bị cụt 1 chân, các chân tay còn lại còn nguyên vẹn nên vẫn đủ điều kiện để lái ô tô hạng B1 như kết luận của Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.

Nhiều bất hợp lý

Ông Trịnh Hữu Kiệm - Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk - cho biết sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Q., đơn vị đã gửi văn bản tới Sở Y tế để trả lời cho công dân.

“Sau khi nhận được văn bản của Sơ Y tế kèm theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, chúng tôi rất bối rối. Do đó, tháng 10-2016, sở đã có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ GTVT về trường hợp của ông Q. nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi” - ông Kiệm nói.

Cũng theo ông Kiệm, dựa vào công văn của cục, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thấy có nhiều vấn đề bất hợp lý như: nếu một người bị cụt tay phải mà điều khiển xe máy thì làm sao vặn ga hay cụt chân phải thì làm sao đạp thắng đối với xe số. Đối với trường hợp cụt chân phải, cho dù họ đã làm chân giả nhưng khi điều khiển ô tô thì làm sao có thể phản ứng kịp thời với các tình huống trên đường...

“Thực tế, từ trước tới nay, các cơ sở, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh chưa tiếp nhận và đào tạo người nào bị cụt chân và cũng chưa cấp giấy phép lái xe cho trường hợp nào bị cụt một chân” - ông Kiệm khẳng định.

Còn theo trung tá Nguyễn Huy Thành, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng CSGT chưa gặp trường hợp cụt tay, cụt chân nào mà có bằng lái xe hạng A1 và B1. Việc cụt một tay hoặc một chân chắc chắn sẽ không đủ điều kiện lái xe máy, ô tô. Việc xử lý các tình huống bất ngờ dựa vào cảm giác nên đối với trường hợp đã làm chân giả sẽ không bảo đảm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

“Pháp luật đã quy định cấm độ chế phương tiện giao thông nên không thể chuyển các bộ phận của xe theo ý muốn của người điều khiển” - trung tá Thành nhấn mạnh.

Cấm dùng chân trái đạp phanh, ga

Ông Trương Nhất Vương, giáo viên Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, cho biết đối với ô tô số sàn thì chân trái điều khiển côn, chân phải điều khiển phanh và ga nên nếu cụt một trong 2 chân sẽ không đủ điều kiện.

Đối với xe trang bị hộp số tự động, người điều khiển chỉ được dùng chân phải để đạp ga và phanh. Trong 450 câu hỏi lý thuyết thi sát hạch lái xe cũng chỉ rõ khi điều khiển ô tô số tự động, không sử dụng chân trái đạp phanh và ga.

Như vậy, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, áp dụng với trường hợp của ông Q. thì không thể học lái ô tô hạng B1.

(Theo NLĐ)