Thanh khoản tiếp tục tụt giảm khá mạnh sau cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà. Phần lớn các cổ phiếu giảm giá. Túi tiền nhà Cường Đôla, Bầu Đức giảm nhanh, trong khi đó vẫn có những những đại gia ngược sóng như trường hợp ông Trương Gia Bình.

Trái ngược với không khí sôi động và triển vọng tăng giá rõ ràng trước đó, thị trường chứng khoán trong vài phiên cuối tuần bao trùm bởi sự ảm đạm và lo lắng. Đà tăng giá trong ngắn hạn của thị trường bất ngờ bị bẻ gãy do cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà và căng thẳng Mỹ và Triều Tiên.

Hai cú sốc này đã khiến thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng. Dòng tiền chùng lại đầy thận trọng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm trên diện rộng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn mua vào.

Nhóm các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời, trong đó có cả BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển, MBB của Ngân hàng Quân đội và cả VCB của Vietcombank. Cổ phiếu dấu khí cũng giảm khá mạnh, trong đó có ông lớn GAS, PVD…

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài cú đứt gãy trend tăng giá ngắn hạn chung trên thị trường. Một số cổ phiếu nóng bỏng trước đó trước đó quay đầu giảm mạnh, trong đó có HAR.

Cổ phiếu QCG của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp. Cổ phiếu này trước đó đã tăng mạnh 6-7 lần trong vòng chưa tới 3 tháng lên trên 28 ngàn đồng, trước khi điều chỉnh giảm.

{keywords}
Cổ phiếu nhà Cường đôla và Bầu Đức giảm.

QCG nhà Cường đôla giảm mạnh trong 4 phiên gần đây, trong đó có 3 phiên giảm sàn. Vốn hóa doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường giảm cả ngàn tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.

Hàng loạt các cổ phiếu thị giá thấp giảm điểm mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn diễn biến khá tích cực nhờ vào triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm 2017 và những bước ngoặt mới trên thị trường chứng khoán. Thị trường phái sinh vừa được khai trường. Đây sẽ là cơ hội cho nhiều công ty chứng khoán. Làn sóng các cổ phiếu mới lên sàn cũng mang tới kỳ vọng cho các doanh nghiệp chứng khoán.

Một số cổ phiếu đầu ngành, nhất là trong nhóm bán lẻ, tiêu dùng, sắt thép… đang được bắt đáy và khá vững trong tuần bão tố và có thể tiếp tục ngược dòng trong tuần mới như trường hợp VNM của Vinamilk và HPG của Hòa Phát.

Cặp đôi đầu ngành mía đường SBT và BHS tăng trở lại sau vài phiên giảm mạnh. Quyết định mua cổ phiếu của “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My đã giúp các cổ phiếu này tăng trở lại.

Cổ phiếu bán lẻ MWG của Thế giới Di động và FPT của Tập đoàn FPT diễn biến khá tích cực sau khi các đại gia này đang có những bước đi mạnh nhằm nâng mình lên tầm cao mới trên thị trường bán lẻ.

MWG của ông Nguyễn Đức Tài đang huy động vài ngàn tỷ để thâu tóm thêm chuỗi bán lẻ điện máy và dược phẩm, bên cạnh chuỗi bán lẻ điện thoại đi động lớn nhất cả nước hiện tại. FPT của ông Trương Gia Bình hoàn tất việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu - tương đương 30% vốn điều lệ của FPT Retail, đơn vị chủ quản của hệ thống FPT Shop cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.

FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tập đoàn FPT hiện cnf nắm 55% cổ phần mảng bán lẻ. FPT Retail đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về hiệu quả doanh thu/m2 diện tích sàn.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán đang chịu áp lực giảm sau cú gãy sóng do tin đồn Trần Bắc Hà và căng thẳng Mỹ-Triều Tiên. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn khá lớn và có thể đổ vào bất cứ lúc nào. Các nhà đầu tư ngoại đang tranh thủ cổ phiếu giảm mua vào.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, VN-index giảm 1,35 điểm xuống 772,08 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm xuống 100,86 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 54,70 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh xuống chỉ còn khoảng 184 triệu cổ phần được giao dịch, trị giá chưa tới 3,4 ngàn tỷ đồng, so với mức trung bình gần 5 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú