Trong cuộc sống ngày nay, luôn có vô vàn những con người và sự việc khiến bạn không hiểu được:
Vì sao có những người vô duyên vô cớ tự làm tổn thương mình?
Vì sao có những người rõ ràng điều kiện kinh tế rất tốt nhưng lại thích trộm đồ của người khác?
Vì sao có những người xinh đẹp lại thích ở bên những người xấu xí?
Vì sao có những người luôn có cảm giác sợ hãi không lý do?
Thật ra, những trạng thái tâm lý bất thường này đều là biểu hiện của các chứng bệnh quái lạ: hội chứng ngược đãi bản thân, ăn cắp vặt, hội chứng yêu những thứ xấu xí, thích phô bày cơ thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD... Những hội chứng này thể hiện tính hai mặt của con người khi đồng thời có thể sản sinh ra lòng khao khát muốn làm việc đúng đắn hoặc có dục vọng xấu xa.
Rối loạn tâm lý - Kỳ quái hay tâm thần (NXB Dân Trí) tập hợp những câu chuyện bộc lộ toàn diện về suy nghĩ lập dị và hành vi kỳ lạ dưới góc độ tâm lý học. Cuốn sách thu thập hàng chục trường hợp có thật về bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, hoang tưởng, lo âu, chuyển giới, cuồng tín, hoang tưởng, nghiện Internet, nghiện chứng khoán...
Theo từng trang sách, với bút pháp chân thực, dễ hiểu kèm những luận cứ khoa học thuyết phục và minh chứng cụ thể, độc giả sẽ từng bước khám phá rất nhiều hội chứng tâm lý phức tạp.
Chúng ta sẽ biết rằng những người mắc bệnh ăn cắp vặt - hay còn gọi là “Xung động ăn cắp” thường có vài biểu hiện lạ như: luôn căng thẳng khi đứng trước các đồ vật để sơ hở; Cảm thấy có một thế lực nào đó thúc giục mình phải lấy cắp dù là thứ không cần thiết; Thấy thư giãn ngắn ngay sau khi trộm được đồ rồi sau đó có cảm giác ngượng ngùng, tội lỗi.
Những người này hoàn toàn không phải ăn cắp để làm giàu và hành động trộm cắp luôn bộc phát chứ không có sự chuẩn bị trước. Và họ không có bất kỳ sự phản kháng nào nếu bị phát hiện. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp thủ phạm của mấy vụ trộm vặt lại là các đại gia, tỷ phú.
Paul Hibbard - Giáo sư tâm lý thuộc ĐH Essex (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2016 và đưa ra kết luận bất ngờ: nguyên nhân của “Hội chứng sợ lỗ” (Trypophobia) do não bộ bị quá tải. Những hình ảnh thủng lỗ có kết cấu thực sự rất khó chịu, với những chi tiết nhỏ mang độ tương phản cao nằm sát nhau. Như trên đài sen có độ tương phản lớn giữa bóng đen trong lỗ và ánh sáng trên bề mặt. Các lỗ nằm sát nhau và lặp đi lặp lại khiến mắt cảm thấy khó chịu khi nhìn lâu.
Theo các nhà khoa học, Trypophobia có thể là “tàn dư” của quá trình tiến hóa - thứ từng giúp người xưa né tránh những loài vật có độc. Giống như các họa tiết trên con rắn, nhện và loài bạch tuộc vòng xanh, con người có thể thấy sợ các họa tiết này trong vô thức vì não bộ muốn cảnh báo bạn tránh xa.
Giả thuyết khác cho rằng: Các lỗ nằm sát nhau khiến liên tưởng đến bệnh da liễu như phát ban, mụn nhọt, thủy đậu… Ngoài ra, những người gặp phải một số rối loạn về tâm lý như: rối loạn hoảng sợ, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm… sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng sợ Trypophobia hơn.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder O.C.D.) là một rối loạn dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính ám ảnh, lặp đi lặp lại, như nỗi sợ dơ bẩn đi kèm với sự thôi thúc, thói quen thực hiện một hành động cụ thể. Ví dụ người bị ám ảnh cưỡng chế luôn tự hỏi đã khóa cửa trước khi ra khỏi nhà hay chưa, điều đó thôi thúc họ phải quay lại kiểm tra.
Đọc cuốn sách Rối loạn tâm lý - Kỳ quái hay tâm thần, độc giả sẽ biết rõ về các hành vi cưỡng chế như: Thức dậy vài lần vào ban đêm để chắc chắn rằng các thiết bị đã được tắt. Sắp xếp quần áo, giày dép, chén đĩa hoặc các đồ vật khác theo một thứ tự hoặc hướng nhất định mới hết cảm giác lo âu. Rửa tay liên tục vì sợ nhiễm trùng đến mức gây phồng rộp, nứt da. Tự động đếm số bậc cầu thang, ô cửa sổ. Cầu nguyện hoặc lặp lại các từ, con số trong yên lặng…
Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế chưa được xác định, tuy nhiên đã có một số chứng cứ chỉ ra rằng sự thiếu cân bằng chất dẫn truyền thần kinh gọi là serotonin hoặc sự gián đoạn quá trình sự trao đổi chất của serotonin có liên quan đến chứng rối loạn này.
Giống như các chứng rối loạn lo âu khác, OCD có thể được điều trị bằng cách tự “phơi nhiễm” (tức là không lảng tránh tình huống gây lo lắng và không thực hiện hành vi lặp lại) và các liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), đôi khi áp dụng đồng thời với các thuốc chống trầm cảm (Anti-depressants). Quá trình phục hồi thường tương đối chậm nhưng nếu nỗ lực sẽ đạt được kết quả tích cực.
Ngoài việc giới thiệu và đi tìm nguyên nhân của những hội chứng kỳ quái, tác giả còn đưa ra nhiều phương pháp điều chỉnh hành vi và chữa lành hiệu quả giúp những bệnh nhân đối mặt với các dạng tâm lý lập dị. Giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan; xây dựng thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp người mắc bệnh cải thiện tình trạng và có cuộc sống hạnh phúc.
Điểm nổi bật của Rối loạn tâm lý - Kỳ quái hay tâm thần là cách tiếp cận dễ hiểu. Tác giả Diệp Hồng Vũ trình bày các khái niệm phức tạp một cách rõ ràng, phù hợp với cả độc giả chuyên ngành và người đọc phổ thông. Hơn hết, những câu chuyện được kể lại với sự chân thực, mở ra góc nhìn đầy nhân văn về nỗi đau mà bệnh nhân phải gánh chịu.
Diệp Hồng Vũ là một cố vấn tâm lý, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, anh đã cống hiến hết mình cho việc phổ biến tư vấn tâm lý và kiến thức tâm lý. Các tác phẩm tiêu biểu của anh gồm: Tâm lý học về những chứng quái lạ, Tâm lý và kế hoạch cuộc sống…