W-z5257168281270-cf71bad632ff58a1f9ddf612e999f12a-1.jpg
Các diễn giả tại buổi giao lưu ra mắt sách.

Trong số nhiều nghiên cứu, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 của tác giả, linh mục Đỗ Quang Chính (1929-2012) được coi là công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu ở châu Âu, tác giả đã đến văn khố, thư viện ở La Mã, Madrid, Lisboa, Paris, Lyon, Avingon tiếp cận nhiều tài liệu viết tay của chính các giáo sĩ ghi chép từ Việt Nam gửi sang. 

Từ chương mở đầu với Nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt, tác giả dẫn người đọc đi vào các phần Sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ (1620-1648), Linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651, Tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam.

Cuốn sách đã cho độc giả thấy được chữ Quốc ngữ ra đời trải qua cả một quá trình dài với sự hợp tác của nhiều người. Trước kia, không ít người nhầm tưởng rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thường gọi là Đắc Lộ), tác giả cuốn Từ điển Việt - Bồ - La in tại La Mã năm 1951 là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Thế nhưng, theo các nghiên cứu sau này, có thể khẳng định chữ Quốc ngữ ra đời sau một quá trình dài từ năm 1618-1625 với sự hợp tác của nhiều cá nhân. Đa số họ là người Bồ Đào Nha, người Italy cùng một số người Việt góp sức.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Thái Hà cho biết: “Khi được tiếp cận với công trình của giáo sư Roland Jaques (một trong những người Bồ Đào Nha tiên phong ở lĩnh vực Việt ngữ học - PV), tôi đã ngỡ ngàng và vỡ òa vì khám phá ra nhiều điều mới, điều hay, điều thú vị về những người có công tạo dựng chữ Quốc ngữ tuyệt vời của chúng ta. Tôi nghĩ mình nhất thiết phải làm gì đó càng sớm càng tốt, vì thế tôi quyết định xuất bản bộ sách Tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt”.

W-z5257023049750-9107a415d11c0befa312e7e2061b60e2-1.jpg

Càng tìm hiểu, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng càng thấy, không chỉ lịch sử chữ Quốc ngữ mới có những “bí mật” thu hút bạn đọc tìm hiểu, mà chính bản thân tiếng Việt hiện đại ngày nay cũng ẩn chứa bao điều cần khám phá. Đó cũng là lý do để Thái Hà Books ra mắt cuốn Tiếng Việt ân tình (chủ biên: Lê Trọng Nghĩa).

Tác giả Lê Trọng Nghĩa chia sẻ: “Chúng tôi chủ trương không khai thác quá sâu về một đề tài, cũng không đi vào chi tiết với những lý luận chặt chẽ, khô khan mà chỉ cố gắng trình bày ngắn gọn, súc tích nhất có thể, đủ cho người đọc cảm thấy hứng thú và nếu cần, họ sẽ tự tìm hiểu thêm”.

Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra một số trường hợp mà người viết hay nhầm lẫn. Đó là những cặp từ: cổ suý/cổ xuý, súp/xúp, dời mắt/rời mắt, khinh xuất/ khinh suất, đen sì/đen xì...

Ngoài ra, tác giả cũng phân tích từ/cụm từ thường dùng. Ví dụ như lý giải việc chúng ta thường gọi ngoại tình là "cắm sừng" và người bị ngoại tình được xem như "mọc sừng"; Vì sao người Việt nói "a lô" khi nghe điện thoại; Vì sao nói người nhiều chuyện là "bà Tám"...

Theo TS. Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học Nghệ thuật, VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam), trong khoảng 140 mục từ, tác giả Lê Trọng Nghĩa đã mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện hấp dẫn, không chỉ trong địa hạt ngôn ngữ mà còn là văn hóa, lịch sử, văn chương của người Việt.