Trong cuốn sách Chăm sóc bản thân thật sự (NXB Dân Trí), Pooja Lakshmin đã đưa ra những phân tích và bằng chứng cho thấy xã hội hiện nay đã đặt nhiều gánh nặng tinh thần lên phụ nữ, khiến họ kiệt sức, mất kết nối và có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu… Nhưng thay vì giải quyết nguyên nhân vấn đề, con người lại thực hành những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo và xem nó như giải pháp cho một vấn đề xã hội.
Trên những trang sách, tác giả không chỉ bóc trần những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo mà còn mở ra một góc nhìn hoàn toàn khác về việc chăm sóc bản thân. Pooja Lakshmin định nghĩa rằng việc chăm sóc bản thân thực thụ không nằm ở những món đồ bạn mua hay những việc bạn làm, mà ở cách bạn đưa ra các quyết định quan trọng để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của chính mình.
Trong phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo, ở một thời điểm nhất định, việc chạy bộ có thể cải thiện tâm trạng của bạn nhưng không thể thay đổi hoàn cảnh đã khiến bạn kiệt sức, mệt mỏi hay suy sụp. Ngược lại, chăm sóc bản thân thực thụ là đào sâu hơn và xác định các nguyên tắc cốt lõi có thể giúp cho việc ra quyết định. Khi áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống, bạn không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm ở hiện tại mà còn xây dựng được một lối sống có thể ngăn chặn vấn đề ngay từ đầu.
Nói cách khác, áp dụng phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo là đối phó, trong khi thực hành chăm sóc bản thân thực thụ là nắm thế chủ động.
“Chăm sóc bản thân thực thụ - khi bạn nhìn vào bên trong mình và đưa ra quyết định sau khi đã suy ngẫm cũng như cân nhắc cẩn thận - là một cách để khẳng định quyền tự chủ. Nó có nghĩa là đối mặt trực tiếp với sự độc hại và tổn thương mà nền văn hóa của chúng ta gây ra cho phụ nữ. Nó có nghĩa là xác định điều nào phù hợp với bản thân chúng ta, điều nào không” - Pooja Lakshmin cho biết.
Được biết, tác giả Pooja Lakshmin theo đuổi sứ mệnh giúp phụ nữ và những người thuộc các cộng đồng bị thiệt thòi thoát khỏi sức ảnh hưởng của những phương pháp chăm sóc bản thân bóng bẩy, sáo rỗng.