- Kịch bản "Nước mắt đàn ông" do ''Giáo sư" Xoay - Đinh Tiến Dũng viết đang gây nên hiện tượng cháy vé cho khán giả thủ đô dịp 8/3.
Làm rõ động cơ dỡ đình bán gỗ sưa
Vở hài kịch "Nước mắt đàn ông" gây được thiện cảm với công chúng trước tiên phải nói tới kịch bản logic và rất chặt chẽ của tác giả Đinh Tiến Dũng. Tác giả đã chọn cách trình bày vở kịch như những chương hồi trong một cuốn truyện ngắn.
Từ chuyện của một đôi bạn thủa "thanh mai trúc mã" với tình yêu ngây thơ khờ dại, tới chuyện những cặp vợ chồng với đủ mối quan tâm cơm áo gạo tiền. Câu chuyện mà tác giả kể trải dài cả một thập niên tưởng chẳng liên quan gì nhưng lại âm thầm móc nối với nhau. Mỗi người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, họ gặp nhau ở một cung đường nhưng cuối cùng, ai nấy tiếp tục cuộc hành trình trên một lối riêng đã chọn.
Nghệ sĩ Ngọc Huyền (trái) cũng tham gia trong vở hài kịch "Nước mắt đàn ông". |
Đạo diễn Sĩ Tiến đã dàn dựng "Nước mắt đàn ông" một cách giản dị, chân thực. Người xem cười đấy nhưng lại khóc đấy. Rất nhiều những khoảng lặng nhói lòng mà đạo diễn đã cố tình bỏ ngỏ để người xem có đôi phút suy ngẫm.
Thiết kế sân khấu khá đơn giản nhưng ấn tượng và đầy ẩn ý. Nếu chú ý, người xem sẽ thấy ngay khung cảnh làng quê với ánh trăng lẩn khuất sau bụi tre giữa những đêm hè oi ả đầy chất thơ trong cảnh đôi bạn thủa "thanh mai trúc mã" ngồi tâm sự.
Nói về việc dùng hình ảnh những hàng rào bằng tre và những "vũ khí" lợi hại làm từ dao dĩa, gương, lược được bày trong nhà của các cặp vợ chồng, đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ: "Hình ảnh hàng rào bằng tre trên sân khấu như muốn nói về thân phận của cô thôn nữ - một cô thôn nữ trong trắng ngây thơ, cô như cây tre, cây nứa. Ở quê, cô chỉ như một cái rặng rào bằng tre.
Thế nhưng, khi lên tới thành phố, hình ảnh cô thôn nữ được biến hóa, không còn trong trắng ngây thơ mà trong cô có một vũ khí ngầm, lạnh. Những vũ khí ấy đơn giản chỉ là cái gương, lược, thìa... thôi nhưng nó có thể giết chết một cuộc hôn nhân".
Trích đoạn trong vở hài kịch "Nước mắt đàn ông"
Đạo diễn Sĩ Tiến đã rất khéo léo, lồng các khí giới sắc nhọn đó vào thân tre như nhắn nhủ với các cô gái rằng, dù cuộc sống có thay đổi, những người phụ nữ phải gồng mình để chống chọi với những biến cố thì cái gốc của họ vẫn là thân tre nứa, em vẫn cần được chở che, vẫn cần một bờ vai để nương tựa.
Dàn diễn viên đầy kinh nghiệm của Đoàn kịch 2 đã diễn khá thành công, tung hứng nhau một cách nhuần nhuyễn tạo cảm giác thoải mái cho người xem, diễn mà không diễn. Họ khiến người xem cười nghiêng ngả nhưng khi dừng lại, những giọt nước mắt tự nhiên cứ lăn dài trên khuôn mặt của khán giả.
Kết thúc vở diễn, ai ra về cũng đầy tâm trạng và đâu đó, có cặp vợ chồng tự hứa với nhau rằng anh sẽ thay đổi và em cũng phải thay đổi. Những người phụ nữ có lẽ phần nào chia sẻ được những tâm sự thầm kín, những giọt nước mắt của cánh mày râu. Còn những người đàn ông cũng hiểu hơn về người phụ nữ gắn bó với mình.
Bài hát "Hãy yêu nhau đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ vang lên vang lên mãi, vang vượt ra khỏi khán phòng nhỏ bé, len lỏi vào dòng người đang rảo bước ra về như nhắn nhủ thông điệp đầy yêu thương: Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá/ Hãy yêu nhau đi dù dòng nước có trôi xa....
Bài, clip: Tình Lê