- Bộ Y tế cho rằng, cần có thêm các đánh giá khác để khẳng định chính xác mức độ an toàn của thuỷ, hải sản tại 4 tỉnh miền Trung.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ TN&MT đã công bố nước biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế an toàn. Tuy nhiên, ngành y tế chưa thể công bố thuỷ hải sản ở các khu vực này an toàn hay chưa mà sẽ tiếp tục lấy mẫu ở cảng cá, chợ cá và tại các đầm nuôi để xét nghiệm.
Chậm nhất cuối tháng 8 sẽ công bố kết quả dựa trên kết quả phân tích, đánh giá của Hội đồng khoa học gồm Bộ Y tế và các viện khoa học.
Chợ cá tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ế ẩm vì không ai mua sau sự cố Formosa. Ảnh: Quang Thành |
Theo bà Nga, ngay sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung vào tháng 4, Cục An toàn thực phẩm đã lấy hơn 430 mẫu hải sản ở 4 tỉnh trên để kiểm tra.
Kết quả mẫu tháng 4-5 cho thấy số mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm khá cao. Sang tháng 7, số lượng mẫu không đạt giảm dần khi chỉ có 7/27 mẫu bị nhiễm kim loại nặng.
Từ đầu tháng 8 đến nay, trong 18 mẫu cá được lấy mới phát hiện 1 mẫu có dư lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng. Không phát hiện mẫu nào nhiễm phenol hay xyanua.
Bà Nga cho rằng dù số mẫu nhiễm kim loại nặng đã giảm nhưng ở góc độ sức khoẻ như thế vẫn chưa đủ căn cứ để khẳng định chính xác mức độ an toàn.
Trước đó vào sáng 22/8, Bộ TN&MT đã công bố nước biển tại 4 tỉnh miền Trung "đạt chuẩn" để bơi lội, nuôi trồng thủy sản.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4 vừa qua, khởi đầu gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo thống kê, có khoảng 115 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh đã dạt bờ, Quảng Bình nhiều nhất với 100 tấn, số chìm dưới đáy chưa thống kê được.
Theo đánh giá, phải mất nửa thế kỷ, hệ sinh thái tại các tỉnh miền Trung nói trên mới có thể phục hồi.
Bước đầu, Việt Nam đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
T.Hạnh