Nhưng quả thật, để hôn nhân đến hồi đổ vỡ thì hầu hết mọi người đều không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Nhiều năm qua, lứa độc giả cũ của tôi giờ đều đã là vợ, là mẹ, là cha, là chồng nên những câu chuyện họ gửi đến Facebook của tôi đều là những câu chuyện hôn nhân và con cái.
Từ một anh Chánh Văn chuyên giải đáp thắc mắc tuổi trăng tròn, trăng náu ngày nào, tôi “bất đắc dĩ” lại trở thành “chuyên gia” hôn nhân và con cái. Những câu chuyện phát hiện ra chồng ngoại tình luôn dẫn tới một kết cục ly hôn đầy tiêu cực.
Đổ vỡ của hôn nhân do chuyện chồng ngoại tình luôn tạo ra những mảnh vỡ có độc tố sát thương phải gọi là kinh khủng. Nó tạo ra di chứng lâu dài và tổn thương sâu hoắm.
Nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư giữa hai người mà còn ảnh hưởng đến con cái và cả họ hàng xung quanh 2 người ấy. Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần những cuộc đổ vỡ vì lý do ấy: Ngoại tình.
Có người vợ muốn quyên sinh cùng con. Có người vợ muốn nhất là bét tung hê khắp lên mạng. Có người vợ muốn huỷ diệt cả gia đình nhà chồng vì… bố mẹ chồng không biết dạy con. Khi lòng thù hận lên cao, mọi giá trị đều chỉ bằng 0. Đừng có mong phụ nữ đang hận thù mà cư xử văn minh hay dịu dàng.
Đám cưới. Chúng ta luôn bắt đầu bằng một đám cưới tuyệt vời. Nhìn lại đống ảnh cưới mà xem, ai cũng đầy hạnh phúc. Nhưng sao ly dị thì chẳng ai muốn nó cũng phải đẹp như đám cưới?
Là bởi ly dị là vứt bỏ nên cái gì phải vứt bỏ thường là cái hỏng, cái tệ, cái dở, cái xấu đúng không? Nên không có cuộc ly dị nào đẹp cho nổi. Từ tiến sỹ ly dị đến công nhân ly dị đều chát chúa như nhau nếu đó là cuộc ly dị vì một trong hai ngoại tình.
Vấn nạn ngoại tình trong cuộc sống hiện đại hôm nay liệu có nhiều hơn ngày xưa không? Tôi không có số liệu nhưng bạn hãy thử hỏi 3-5 người gần bạn nhất lúc này xem. Ai cũng có 1 câu chuyện ngoại tình họ biết và họ sẽ kể cho bạn nghe. Như thế để thấy vấn đề ngoại tình luôn là câu chuyện hấp dẫn cộng đồng mạng đến thế nào.
Những nhóm hội tố kẻ cướp chồng nhiều không kể xiết trên mạng xã hội. Chính những nhóm hội đó góp phần không nhỏ vào việc biến một cuộc ly hôn thành cú nổ bigbang.
Chị em kéo nhau đi đánh ghen, hẹn nhau đi đánh ghen không ít. Dù họ mới chỉ biết nhau qua nick trên mạng. Như một phụ nữ ở Trung Quốc làm giàu nhờ dịch vụ đi đánh ghen thuê. Ở Việt Nam, tôi chứng kiến nhiều group rủ nhau đi đánh ghen thuê với số thành viên cũng chẳng ít đâu.
Để thấy, đám cưới thì mời toàn người thân nhưng ly dị có khi chỉ thấy toàn người lạ. Sự cổ xuý trên mạng sau mỗi clip tố chồng ngoại tình hay đi đánh ghen đã khiến nhiều phụ nữ chọn cách này. Là bởi hận thù. Là bởi ai cũng cho rằng mình là nạn nhân. Mình đã dốc trọn lòng cho gia đình thế mà chồng lại bồ bịch. Nên hận thù. Nên ly dị thì cũng phải cho nó biết tay.
Không! Thưa các chị em phụ nữ, những người đang để hận thù che khuất tầm nhìn. Tôi thấu hiểu nỗi lòng đau đớn vì các chị bị cướp chồng, mất chồng.
Tôi cũng thấu hiểu nỗi đau vì bị phụ rẫy của các chị. Tôi càng xót hơn khi phải chứng kiến những đứa trẻ, con của các chị, mất bố, mất mái ấm.
Nhưng tung một cái clip bằng chứng chồng ngoại tình lên mạng có khiến nỗi đau của các chị giảm bớt chút nào không? Sự hả hê vì kẻ bạc bẽo ấy bị ném đá không phải thuốc giảm đau.
Mà cho dẫu nó giúp chị bớt đau, bớt ấm ức thì nó cũng chỉ là giả dược giảm đau thôi. Bởi sau đó, các chị sẽ còn đau dài dài nếu các chị không dứt bỏ ám ảnh hận thù.
Chừng nào các chị còn muốn trả hận thì chừng đó các chị vẫn là tự uống "thuốc độc" và cầu mong chồng chết vì "thuốc độc" mình uống. Các chị than khóc trên mạng xã hội các chị sẽ nhận được cả ngàn like, ngàn tim, ngàn comment an ủi.
Nhưng like ấy, tim ấy, comment ấy không giúp các chị nguôi ngoai được đâu. Nó chỉ khiến nỗi đau của các chị càng có cơ sở để sinh sôi phát triển, loang rộng ra thôi. Các chị lao đi đánh ghen để ai xem? Hàng triệu view xem clip ấy có view nào là của con các chị mai này?
Chúng sẽ nghĩ gì về mẹ chúng- người phụ nữ đang túm tóc tốc váy áo người phụ nữ khác vì cái tội giật chồng. Những bài viết chửi chồng sau ly dị ấy cũng vậy. Các chị có chửi anh ta đến đâu thì anh ta vẫn cứ là bố đẻ ra các con của chị.
Chúng sẽ thế nào trước dư luận xung quanh? Các chị lớn rồi còn có thể bỏ qua dư luận nhưng chúng còn quá nhỏ để hứng chịu dư luận.
Một hôm không mấy đẹp trời, chúng sẽ phải trả lời các bạn chúng thế nào khi các bạn chúng bảo: Mẹ tớ nói mẹ cậu chửi bố cậu trên mạng à?
Ly dị văn minh. Thật khó! Tôi đồng ý! Tôi hoàn toàn đồng ý rằng ly dị văn minh là rất khó. Với nỗi đau mà chúng ta đang phải chịu, ly dị văn minh được thì phải tầm cỡ phụ nữ hiểu rộng, biết sâu và đủ từng trải. Khó có phụ nữ nào bình thường mà ly dị văn minh được. Nên tôi cũng chỉ mạo muội đưa ra vài tip nhỏ mà tôi vẫn thường dùng làm lời khuyên đến các phụ nữ hay đọc Facebook của tôi.
1. Chấp nhận sự thật rằng cuộc hôn nhân này hỏng rồi. Đừng phân tích đúng sai nữa vì đúng hay sai thì cuộc hôn nhân này cũng không còn nữa rồi (Tất nhiên, nếu bạn còn muốn sửa chữa nó thì đó lại là ở bài viết khác)
2. Nghĩ đến tương lai. Là chúng ta cần gì để có một tương lai tốt hơn, khi không còn hôn nhân này nữa. Là tương lai của bạn, của các con bạn. Nghĩ đến tương lai bằng việc chuẩn bị tốt nhất trong hiện tại. Bận bịu với việc chuẩn bị cho tương lai sẽ giúp bạn không còn vướng bận với quá khứ- lỗi lầm của chồng hay lý do hôn nhân tan vỡ.
3. Kiểm soát cảm xúc. Giận dữ có thể hét lên, có thể ném đồ đạc, có thể điên lên nhưng hãy chỉ làm điều đó khi chỉ có 2 người hoặc một mình. Đừng trở thành diễn viên với bất kể người thứ 3 nào bao gồm cả con cái, gia đình hai bên. Kiểm soát cảm xúc là ở đó. Bởi không ai mong muốn chứng kiến cảnh đó khi họ yêu thương bạn. Còn những người dưng, họ sẽ xem bạn đang diễn để bình luận về bạn thôi.
4. Ly hôn là một công đoạn pháp luật. Hãy để pháp luật giúp bạn vì ly hôn là một công việc của toà án, của luật sư. Hãy làm việc đó như một vấn đề hành chính thay vì để cảm xúc lấn át hay điều khiển, chi phối bạn.
5. Bạn cần phải sống tiếp như một con người mới. Như Covid-19, chúng ta dù chưa thể tiêu diệt được nó thì chúng ta vẫn cứ phải sống cuộc sống “bình thường mới”. Thế nên, dù việc ly hôn đang tiếp diễn thì bạn vẫn cứ phải “bình thường mới” thôi. Hãy chuẩn bị cho cuộc sống kế tiếp khi không còn người chồng này, không còn cuộc hôn nhân này. Bạn không thể trở thành gánh nặng cho ai hết. Bạn còn phải là chỗ dựa cho con bạn, bố mẹ bạn.
6. Và cuối cùng, sến đấy, lý thuyết đấy, bạn có thể chẳng tin đâu nhưng thường thì những người ly dị văn minh sẽ có mối quan hệ mới tốt đẹp hơn những người ly dị ầm ĩ. Bạn sẽ gặp một người tốt hơn, chắc chắn đấy!
Ly hôn, đưa nhau lên mạng xã hội để 'đấu tố' là thiếu văn hóa
Khi tình yêu tàn, không ít cặp vợ chồng quay ra trả đũa nhau và đứa con vô tình trở thành một công cụ của họ.
Hoàng Anh Tú