Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho biết đang củng cố hồ sơ, điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của Trương Văn Tùng (SN 1966, ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Châu).
Cơ quan Công an thu giữ tờ rơi quảng cáo vay tiền nhanh của "tín dụng đen" tại khu công nghiệp |
Theo tài liệu của cơ quan Công an, khoảng 16h30 ngày 15/12, Công an huyện Tân Châu phát hiện Tùng đang cho anh Hồ Văn Th. (SN 1984, ngụ ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) vay tiền. Qua kiểm tra, Công an thu giữ 80 thẻ ATM, 20 sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 3 sổ ghi chép người vay và số tiền vay...
Qua điều tra, Tùng bước đầu khai nhận, từ tháng 10/2020, Tùng cùng với Thạch (chưa rõ danh tính) tổ chức cho vay tiền trả góp với lãi suất cao. Đối tượng mà Tùng nhắm tới để cho vay thường là những công nhân khó khăn đang làm trong cụm công nghiệp Tân Hội, huyện Tân Châu.
Những người này được công ty trả lương qua thẻ ATM. Khi người vay đến gặp Tùng vay tiền, phải thế chấp thẻ thanh toán lương (thẻ ATM), căn cước công dân và sổ bảo hiểm xã hội cho Tùng, lãi suất vay tiền từ 8% đến 10%/tháng.
Đến ngày công ty trả lương qua thẻ ATM, Tùng cầm thẻ của người vay đến các trụ ATM để rút tiền. Khi người vay trả đủ tiền vay và tiền lãi, Tùng sẽ trả lại các giấy tờ thế chấp cho họ.
Nếu người vay không có khả năng trả nợ thì Tùng tiếp tục cho họ vay thêm tiền để trả nợ cho Tùng. Ngoài ra, Tùng còn cho vay tiền và yêu cầu phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Tùng đã cho người dân vay trên 500 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, các đối tượng hoạt động cho vay theo kiểu "tín dụng đen" đã nhắm đến các đối tượng là công nhân các khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp, không khó để thấy các tờ quảng cáo cho vay tiền nhanh được dán ở các bức tường, cột điện, nơi công nhân hay qua lại.
Cách đây không lâu, Công an huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cũng đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi, em ruột Nam) và Nguyễn Văn Rim (30 tuổi), cùng ngụ huyện Xuân Lộc để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Qua khám xét chỗ ở của các đối tượng, lực lượng Công an đã phát hiện, tạm giữ 206 thẻ ATM, hơn 206 triệu đồng, 121 hợp đồng vay, 120 sổ BHXH.
Theo lời khai của các đối tượng, nhận thấy công nhân các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiền nên các đối tượng đã bàn nhau và gom được số tiền 2 tỉ đồng, tìm kiếm khách hàng là công nhân trong các khu công nghiệp.
Theo đó, tùy theo mức lương, người vay chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH là được cho vay ngay từ 2-7 triệu đồng, nhiều nhất lên tới 60 triệu đồng. Lãi suất dao động từ 4-6%. Nam và Rim yêu cầu người vay phải viết giấy vay nợ với lãi suất theo quy định của nhà nước.
Hàng tháng, các đối tượng này tự lấy thẻ ATM của các công nhân để rút tiền. Nam và Rim còn thuê thêm Hoàng để thực hiện việc rút tiền. Khi công nhân trả đủ cả lãi và gốc, Nam và Rim mới trả lại thẻ.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống công nhân các khu công nghiệp cũng gặp khó khăn hơn. Lợi dụng tình trạng đó, đặc biệt dịp cuối năm khi nhu cầu cần tiền của người dân nói chung, công nhân nói riêng tăng cao, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã tìm cách tiếp cận và giăng bẫy người vay.
Chính vì vậy, bên cạnh sự nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình, liên đoàn lao động ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp cần có các biện pháp tuyên truyền để hỗ trợ công nhân nâng cao nhận thức về "tín dụng đen", các công ty cũng cần có biện pháp hỗ trợ công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn dịp cuối năm.
(Theo Công an nhân dân)
Bỗng dưng thành… con nợ!
Một ngày, chị H nhận được tin nhắn đòi nợ từ số điện thoại lạ. Khi chị còn chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao thì phía bên kia, người gọi đã lên giọng dọa dẫm.