Ngân hàng báo tin lãi lớn

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, năm 2021, tổng thu nhập đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch.

Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) cũng đã công bố lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định. Tương tự, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 vượt kế hoạch đề ra16.800 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Hàng hải (MSB), đến hết tháng 10/2021 đạt lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. MSB dự kiến cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, vượt xa so với mục tiêu đưa ra là 4.100 tỷ đồng trước thuế.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã sớm cán đích lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng. Cụ thể Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank) lợi nhuận tính đến hết tháng 9 đã đạt 400 tỷ đồng, vượt kế hoạch 390 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2021; Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) 9 tháng cũng đạt lợi nhuận trước thuế 2.530 tỷ đồng vượt xa kế hoạch cả năm là 2.414 tỷ đồng; Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) thậm chí chỉ cần 6 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 337 tỷ đồng so với chỉ tiêu là 290 tỷ đồng.

{keywords}
Điểm sáng nền kinh tế lợi nhuận tăng cao bất chấp đại dịch.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) về doanh thu và lợi nhuận toàn ngành ngân hàng 2021 lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm trước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%). Tốc độ tăng trưởng này vẫn bứt phá so với năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, ngân hàng vẫn là điểm sáng của nền kinh tế năm 2021 với lợi nhuận tăng cao. Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được nhìn nhận là do những yếu tố sau: Chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất cho vay trong 9 tháng đầu năm, là nguyên nhân giúp NIM (biên lãi ròng) mở rộng tại hầu hết các ngân hàng.

Với việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất điều hành trong năm, dẫn đến bình quân lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh, nguồn vốn đầu vào có chi phí rẻ, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì mặt bằng cao, giảm chậm hơn nên lợi nhuận ngân hàng tăng cao.

Cùng với đó, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nên lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn, với lãi suất rất thấp nằm trong các tài khoản mang đến cho ngân hàng nguồn vốn đầu vào chi phí rẻ, góp phần giảm chi phí vốn.

Bên cạnh lợi nhuận thuần, các khoản thu nhập từ phí, đặc biệt là phí bán bảo hiểm cũng là một trong những động lực tăng trưởng cho các ngân hàng. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng kiểm soát rất tốt chi phí hoạt động, nhất là các ngân hàng có tiến độ chuyển đổi số nhanh.

Trong quý 4/2021, kinh tế phục hồi,nhu cầu về vốn tăng, tín dụng tăng trưởng mạnh trong khi nguồn vốn chi phí rẻ vẫn dồi dào và lãi vay vẫn duy trì ở mức cao nên lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng vẫn tăng.

Đến cuối quý 3/2021, có 6 ngân hàng ghi nhận đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Đó là các ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 19.311 tỷ đồng, Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt 17.098 tỷ đồng, Công thương Việt Nam đạt 13.911 tỷ đồng, Quân đội (MBB) đạt 11.885 tỷ đồng, Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đạt 11.736 tỷ đồng,  Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 10.733 tỷ đồng.

Theo tính toán, trong quý 4/2021, các nhà băng này cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, giúp lợi nhuận tiếp tục tăng cao, trong đó Vietcombank và Techcombank sẽ vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.

Giảm lợi nhuận vì khách hàng?

Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng lợi nhuận sụt giảm. Mới đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu cho sát với thực tế kinh doanh, khi năm 2021 sắp hết. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến của ngân hàng giảm sâu hơn 60% từ 2.150 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng. Con số này còn thấp hơn kết quả năm 2020 khi Eximbank báo lãi 1.340 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác là VIB (Ngân hàng Quốc tế) có thể sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

{keywords}
DN khó khăn nhưng lãi suất ngân hàng chỉ giảm nhỏ giọt.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định hệ thống ngân hàng hoạt động tương đối ổn định trong năm 2021, với lợi nhuận của hệ thống tính đến nay dự kiến tăng khoảng 25%. Trong hai năm vừa qua, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tăng trưởng tương đối tốt và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép giãn, hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp các ngân hàng đạt lợi nhuận cao.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, với lãi suất huy động bình quân ở mức 5-5,5%/năm, nếu cộng chênh lệch 2,5% thì lãi suất cho vay khoảng 7,5-8%/năm là khá hài hòa lợi ích các bên. Tuy nhiên, theo các DN, để được vay với lãi suất trên rất hiếm. Lãi suất này chỉ ưu đãi cho 3 tháng đầu của kỳ hạn vay, sau đó lại được điều chỉnh tăng lên.

Các DN cho biết, đa số vẫn phải vay vốn kỳ hạn 6 tháng từ các ngân hàng với lãi suất 9%/năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng, mức lãi suất này sẽ được điều chỉnh cộng thêm 2%/năm nữa. Tính ra, bình quân lãi vay kỳ hạn 6 tháng là 10%/năm. Trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng chỉ từ 6%/năm trở xuống. 

Không những thế, mức độ cắt giảm lãi vay để hỗ trợ người dân và DN của nhiều ngân hàng thời gian qua, không đáng kể. Theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại, chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và DN từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm ước tính 20.613 tỷ đồng.

Tính đến 31/10/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng, nhưng riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm tới 12.663 tỷ đồng, thì 12 ngân hàng thương mại tư nhân chỉ giảm 2869 tỷ đồng. Trong đó, có ngân hàng chỉ giảm vài chục tỷ đồng.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2022 không được tốt như năm nay, do độ trễ của dịch bệnh cũng như loạt chính sách sắp tới. Mặc dù vậy, lợi nhuận toàn hệ thống tăng ở mức 15-20%, ông Lực nhận định.

Còn nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, biên lãi ròng của các ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp vào cuối năm 2021 và thậm chí giảm vào năm 2022, bởi ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Lợi nhuận ngân hàng được dự báo đạt 19% trong năm 2022, nhóm phân tích nhấn mạnh.

Trần Thủy

Tham lãi nghìn tỷ, ngân hàng giảm lãi suất nhỏ giọt

Tham lãi nghìn tỷ, ngân hàng giảm lãi suất nhỏ giọt

Các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay hơn nữa để hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, nếu họ chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận.