Cuối năm 2020, bộ mã bưu chính điện tử đi vào hoạt động
Dự kiến đến 2020, bộ mã bưu chính điện tử sẽ đi vào hoạt động tạo nền tảng cho TMĐT. Ảnh minh họa: infonet |
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày 8/11. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "TMĐT muốn phát triển được thì phải giải được bài toán về mã bưu chính đến địa chỉ. Đây là việc rất lớn".
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, hiện nay Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thu thập được 23 triệu địa chỉ, hộ gia đình và đưa lên trên cơ sở dữ liệu, đang rà soát lại và làm giàu dữ liệu. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ thông tin về mục tiêu đến cuối năm 2020 bộ mã bưu chính sẽ đi vào hoạt động. “Nếu chúng ta hoàn thành được việc này cũng là một nền tảng rất quan trọng giúp cho thương mại điện tử phát triển”.
Liên Bộ bắt tay tạo hành lang pháp lý cho TMĐT
Theo thông tin về các con số được chia sẻ, ngành TMĐT Việt Nam đang phát triển và còn nhiều tiềm năng. Doanh thu TMĐT hiện ở mức 7,8 tỷ USD/năm và tăng trưởng không dưới 30%. "Chúng tôi theo dõi các công ty bưu chính là những công ty vận chuyển hàng hóa đến gia đình, tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều. Tốc độ tăng trưởng của họ cỡ 40%, có những doanh nghiệp tăng trưởng ở mức 50%, có nghĩa là phát triển rất nhanh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngoài câu chuyện mã bưu chính thì hành lang pháp lý cũng cần được lưu ý. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc đến trong phiên trả lời chất vấn trước đó khi thừa nhận tình trạng pháp luật và thể chế chưa hoàn thiện, còn có sự chồng lấn; chưa đảm bảo hạ tầng TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lãnh đạo các bộ TT&TT, Công Thương cho biết sắp tới, các bộ, ngành liên quan sẽ "bắt tay" để hình thành khung pháp lý cho TMĐT; hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được nghiên cứu kết hợp với Luật Quảng cáo và Luật An ninh mạng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên nền tảng này.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc phát triển TMĐT còn một yếu tố quan trọng nữa là công cụ thanh toán. Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ thanh toán bằng thẻ không cao khi tỷ lệ sở hữu thẻ chỉ vào khoảng 35%. "Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ cho một số doanh nghiệp được phép thử thí điểm mô hình thanh toán Mobile Money với một điều kiện là nhà mạng phải không có SIM rác. Việc cung cấp Mobile Money sẽ mang lại doanh thu và lợi ích rất lớn cho nhà mạng và nhà mạng phải làm mọi cách để giải được câu chuyện SIM rác. Đây là một mũi tên trúng 2 đích", Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.