Theo Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 của ngành hải quan vừa được  tổ chức.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan tại hội nghị cho biết, với vai trò cơ quan thường trực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 

Đến cuối tháng 5/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10/14 Bộ, ngành với 31 thủ tục, hơn 90.000 bộ hồ sơ và 6.000 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 22/4/2016 phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, các nước vẫn đang thử nghiệm trao đổi dữ liệu, sẵn sàng để triển khai chính thức sau khi Nghị định thư có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ và thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng đã được đẩy mạnh. Cụ thể, đã có 73 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ mức độ 3 và 4, chiếm 44% tổng số TTHC công về hải quan. Đây là những TTHC cốt lõi, gồm thủ tục khai báo và thông quan hàng hóa, khai báo phương tiện vận tải đường biển, thanh toán thuế, phí và lệ phí. 56% còn lại tương ứng với 95 TTHC được cung cấp dịch vụ công mức độ 1 và 2, là các TTHC có số lượng doanh  nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện không nhiều.

Cũng tính đến cuối tháng 5/2016, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng điện tử với 28 ngân hàng, với số thu chiếm 90,1% tổng số thu ngân sách nhà nước của hải quan. Đồng thời, trong thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng từng chức năng của Hệ thống VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan tự động - PV), kiến nghị giải pháp để sử dụng hiệu quả hệ thống.

Tổng cục Hải quan cũng xác định rõ, một nhiệm vụ trọng tâm của các tháng cuối năm 2016 là tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan, đơn giản hoá thủ tục, tạo  thuận lợi cho các hoạt động XNK và nâng cao hiệu quả quản lý hải quan. Cụ thể, ngay trong năm nay  tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 3 cho 46 TTHC, nâng tổng số TTHC được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 lên 119/168, chiếm 71%. Trong đó, mục tiêu là 114/ 168 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 4, chiếm 68%. 

Cùng với Tổng cục Hải quan, các đơn vị khác trong Bộ Tài chính như Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước cũng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, góp phần để Bộ Tài chính đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.  

Báo cáo Quý II/2016 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a cho thấy, đến hết tháng 6/2016, Bộ Tài chính đã triển khai 910 TTHC công trực tuyến từ mức độ 2; và dự kiến sẽ đưa thêm 466 TTHC được cung cấp trực  tuyến mức độ 3 vào cuối năm nay.

Trong lĩnh vực thuế, tính đến nay, đã hoàn thành triển khai thí điểm cho 200 doanh nghiệp và đang tổ chức đánh giá để nhân rộng. Cùng với đó, Bộ Tài chính đang xây dựng quy trình thí điểm quản lý, đăng ký sử dụng và kê khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân; phối hợp với các ngân hàng để phân tích, thiết kế chức năng nộp thuế điện tử trên hệ thống ứng dụng của ngân hàng; và sẽ tổ chức ký bổ sung nội dung thỏa thuận hợp tác để thống nhát quy trình xử lý thông tin nộp thuế điện tử cá nhân.

Hiện  tại, Tổng cục Thuế đang phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan; đã thống nhất phương thức truyền nhận chứng từ điện tử cho lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất kết nối cơ sở dữ liệu ô tô, xe máy để làm căn cứ tra cứu số giấy chứng nhận đăng kiểm hỗ trợ người dân trong việc kê khai.

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành triển khai thí điểm  3 dịch vụ công trực tuyến tại KBNN của 5 thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị vận hành, duy trì dịch vụ công. Đối với nhiệm đẩy mạnh thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử, Bộ Tài chính đã báo cáo Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, đề xuất hoàn thiện cơ chế thu ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm thu phạt vi phạm hành chính và đề xuất KBNN phối hợp với Bộ Công an trong xây dựng Đề án “Thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng”.