Kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu nhà ở tại Việt Nam đang gia tăng. Nắm cơ hội này, đại gia bất động sản Nhật Bản âm thầm tìm mọi cách lấy lòng nhà giàu Việt.
Kajima, một đại gia đến từ Nhật Bản, đang có kế hoạch chi 1 tỷ USD trong 10 năm tới liên doanh với một nhà đầu tư trong nước để phát triển các dự án bất động sản khách sạn cao cấp, căn hộ dịch vụ hướng tới đối tượng nhà giàu Việt Nam. Các dự án có quy mô 19,5-97,5 triệu USD.
Chiến lược của các nhà đầu tư tới từ Nhật là đón đầu nhu cầu tầng lớp trung lưu, vốn ngày càng gia tăng trong nước.
Tương tự, các dự án mà Mitsubishi đầu tư phần lớn thuộc phân khúc trung và cao cấp, phục vụ chủ yếu cho tầng lớp trung lưu. Cách đây không lâu, tập đoàn Tập đoàn này cũng công bố một dự án có số vốn lên tới 1,9 tỷ USD. Dự án tập trung vào các căn hộ thấp tầng rộng 300m2, giá từ 13-15 tỷ đồng/căn và hướng tới những người có thu nhập cao.
Nhà đầu tư Nhật nhắm tới phân khúc cao cấp |
Tại TP.HCM, Công ty xây dựng Meada (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức để đầu tư xây dựng dự án Wateria Suites (quận 2). Đây là dự án BĐS cao cấp, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
Trong quý 1/2016, một nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện nhận chuyển nhượng 70% cổ phần tòa nhà văn phòng A&B Tower (quận 1, TP.HCM) với giá trị tương đương 47 triệu USD.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Takashimaya vừa khai trương trung tâm mua sắm rộng trên 15.000m2. Đối tượng khách hàng mà Takashimaya hướng tới là tầng lớp trung lưu và các “đại gia” Việt. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng, các trung tâm mua sắm còn có nhiều nhãn hàng xa xỉ từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu,...
So với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore hay Indonesia, Malaysia trong lĩnh vực bất động sản, sự vào cuộc của Nhật Bản không rầm rộ. Từ trước tới nay, họ mới đầu tư ở mức thăm dò thị trường. Thông qua các đơn vị tư vấn, nhiều quỹ đầu tư đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.
Đầu tư kiểu Nhật
Ông Masakazu, giám đốc quỹ Creed Group của Nhật, cho rằng, dưới góc nhìn của nhà đầu tư có kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, họ thấy thị trường Việt Nam đang rất tiềm năng. Đặc biệt là các dự án có vị trí tốt ở khu vực ven sông.
Người Việt vẫn chuộng hàng Nhật |
Sự đi tắt đón đầu của các nhà đầu tư Nhật Bản có cơ sở. Đại diện Mitsubishi lý giải, sự phát triển ổn định của nền kinh tế và thu nhập ngày càng tăng cao của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu nhà ở tại Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài ra, việc sửa đổi quy định về sở hữu nhà từ tháng 7/2015 đã khuyến khích người nước ngoài mua nhà, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường mua bán nhà ở tại đây.
Theo báo cáo của Wealth-X và UBS, Việt Nam xếp thứ hai, với mức tăng về số lượng người siêu giàu trong một năm qua là 14,7%. Số người Việt đạt chuẩn siêu giàu của Wealth-X và UBS hiện là 195 người với tổng giá trị tài sản sở hữu là 20 tỉ USD. Trước đó một năm, Việt Nam có 170 cá nhân siêu giàu, với tổng giá trị tài sản là 19 tỉ USD.
Nghiên cứu của BCG, cho thấy, hơn một nửa người tiêu dùng (51%) và 80% người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có mua sắm tại các siêu thị và đại siêu thị bên cạnh các cửa hàng truyền thống.
Ông Nguyễn Đức Thành, đại diện chủ đầu tư cho hay, từ trước tới nay, người Nhật luôn khắt khe, tỉ mỉ trong thiết kế và chất lượng căn hộ nên có thể đáp ứng được những khách hàng khó tính nhất, đặc biệt là tầng lớp nhà giàu. Bên cạnh đó, tâm lý ưu chuộng hàng Nhật của người Việt vẫn không có gì thay đổi.
Chưa kể, tầng lớp trung lưu và giàu có không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mà còn lan nhanh ra nhiều tỉnh - thành khác trong cả nước.
Quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư.
Theo ông Thành, hầu hết các nhà đầu tư Nhật đầu tiên là rót tiền vào các dự án dở dang, sau đó sẽ trực tiếp thực hiện các dự án khi đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Duy Anh