Nguyệt tiên cung

Thời đỉnh cao nhan sắc, những biến động xã hội gần như không tác động đến cuộc sống như bà hoàng của cô Ba Trà, người được đánh giá là “hoa khôi” Sài Gòn xưa. Ba Trà được các công tử, đại điền chủ hết mực chiều chuộng, cung phụng.

Sau khi Đông Pháp lữ quán vắng khách vì nợ nần, cô Ba Trà được triệu phú trẻ họ Lương thuê cho một ngôi biệt thự sang trọng làm nơi nghỉ dưỡng, tiếp đón khách làng chơi. Sách Các giai thoại Nam kỳ lục tỉnh của tác giả Hứa Hoành viết: “Chỗ ở mới của người đẹp sang trọng đến nỗi giới ăn chơi đặt tên 'Nguyệt tiên cung', mà thực chất là 'cái tổ quỷ' của đàn ông giàu tiền”.

Tác giả cũng tiết lộ, vì quá si mê người đẹp và muốn được sống chung với cô Ba tại đây, nên triệu phú họ Lương mới dốc hầu bao thuê căn nhà đắt đỏ trên cho bà. Thế nhưng, Nguyệt tiên cung không bao giờ trở thành mái ấm, tổ uyên ương của ông và người đẹp. Thay vào đó, nó trở thành chốn ăn chơi của vô số đàn ông mê mẩn nhan sắc “hoa khôi” Sài Gòn.

co ba tra.jpg
Hình ảnh minh họa cô Ba Trà trên bìa cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nguyễn Ý Bửu

Sau năm 1933, cả công tử Bạc Liêu lẫn cậu Tư Phước George đều đã no xôi chán chè với hoa khôi không vương miện. Cô Ba lại quen công tử Bích, quê ở Tiểu Cần, Trà Vinh. Dù đã có vợ con ở quê nhưng ngay lần đầu gặp Ba Trà, tay chơi này đã si mê nhan sắc của người đẹp.

Bán lúa xong, công tử Bích tìm đến cô Ba, mong được người đẹp chiếu cố. Khi nghe cô Ba than không có xe hơi đi lại, ông liền đưa người đẹp đi mua chiếc Citroen 4 chỗ, đời mới nhất với giá 3.000 đồng.

Sống như vợ chồng với cô Ba ít tháng, công tử Bích tiêu sạch 10.000 đồng tiền bán lúa. Trong lần đi mua xe cho người đẹp, ông bị vợ phát hiện, đến bắt ghen. Song, lần bị đánh ghen muối mặt ấy không khiến tay chơi này từ bỏ ý định bao nuôi nhân tình. Ông tiếp tục chở tiền từ Trà Vinh lên Sài Gòn thuê nhà, sắm xe để sống chung với người đẹp.

Tuy vậy, với cách tiêu pha như ném qua cửa sổ của cô Ba, chẳng mấy chốc, công tử Bích lại hết sạch tiền. Sau nhiều lần về Trà Vinh lấy tiền lên cung phụng cho nhân tình, ông bị vợ phát hiện, giấu chìa khóa tủ. Ông quay sang vay bạn bè rồi vỡ nợ, bị bắt giam. Trong thời gian “chồng hờ” ngồi tù, cô Ba đến đưa cơm, chăm sóc cho trọn tình rồi sà vào vòng tay của Franchini, doanh nhân, con rể của ông Đốc phủ sứ giàu có tại Mỹ Tho.

Cô Ba gặp Franchini trong lần được công tử Bích đưa đi mua ô tô. Trong Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển kể: Về sống chung với Franchini, cô Ba được nhân tình thuê cho một căn biệt thự mới, sang trọng trên đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Để chiều lòng người đẹp, Franchini tổ chức lễ ra mắt chiếc Alfa Roméo cô Ba vừa mua một cách hoành tráng.

Sống như bà hoàng không ngai nhưng cô Ba vẫn không thoát khỏi đam mê đỏ đen. Bao nhiêu tiền được nhân tình cung phụng, bà đều đem nướng vào sòng bạc. Franchini khó chịu và quyết không vung vãi tiền của cho nhân tình nữa. Tức giận, cô Ba dứt áo ra đi, tìm kiếm cho mình nhân tình mới để có tiền thỏa mãn cơn nghiện cờ bạc, thuốc phiện.

Cuộc tình kỳ lạ

Với 2 thú chơi chết người này, cô Ba sớm tiêu hết tiền của, trở thành con nợ. Để thay đổi tình hình, cô Ba nhiều lần sang Thái Lan thỉnh bùa ngải với mục đích mê hoặc đàn ông, thắng cờ bạc.

Theo tác giả Hứa Hoành, trong lần xuất ngoại đầu tiên, cô Ba bị bắt vì tội vượt biên. Tuy nhiên, cô được con trai Tổng đốc Phương là Đỗ Hữu Trí giúp đỡ. Nhờ người này, từ chỗ vượt biên trái phép, cô Ba trở thành khách du lịch có giấy tờ hợp pháp.

Tại đất khách, Đỗ Hữu Trí vì mê mẩn nhan sắc của cô Ba, nên tình nguyện chăm sóc, yêu chiều bà. Ông tự mình lái xe, đưa người đẹp đi du lịch, xem hoàng cung, thắng cảnh quanh thủ đô Bangkok. 

Trở về Sài Gòn, cô Ba bất ngờ được Lâm Kỳ Xuyên, ông chủ chi nhánh ngân hàng Đông Dương ở Cần Thơ gửi biếu 10.000 đồng làm lễ "ra mắt" hoa khôi, dù trước đó cả hai chưa gặp nhau. Sau đó, người này liên tục cung phụng tiền bạc cho cô Ba trả nợ...

Ông bỏ ra 20.000 đồng tức hơn 330 cây vàng thời đó để tu sửa Nguyệt tiên cung lộng lẫy hơn cho cô Ba kinh doanh. Cô Ba kể lại trong sách Sài Gòn tạp pín lù rằng, bản thân đã tiêu xài của vị đại gia này 70.000 đồng dù chỉ ban cho ông một lần ân ái duy nhất.

W-my-nu-3.jpg
Công tử Bạc Liêu, người từng bỏ nhiều tiền của để theo đuổi, bao nuôi mỹ nhân Ba Trà. Ảnh chụp lại từ tư liệu

Đang trong lúc sung sướng, có tiền muôn bạc vạn tiêu xài, cô Ba để Lâm Kỳ Xuyên thấy mình tình tứ với vua cờ bạc Sáu Ngọ. Tức giận, vị đại gia ôm tiền trở về Cần Thơ, không chu cấp cho cô Ba nữa. Không có đại gia chu cấp, sau vài lượt cờ bạc, cô Ba trở lại cảnh lao đao, thiếu nợ. Sau lần xuống Bạc Liêu tìm cách gỡ gạc thất bại, cô Ba lại tính chuyện sang Thái Lan thỉnh ngải.

Lần này, nhờ sự hỗ trợ của con trai Tổng đốc Phương, cô Ba dễ dàng vượt biên. Thậm chí, cô còn đến gặp Hoàng thân Luang Pradit, người cũng si mê mình.

Theo sách Các giai thoại của Nam kỳ lục tỉnh, thời bấy giờ, khi sang thăm Việt Nam, Hoàng thân Luang Pradit từng gặp gỡ và yêu thích Ba Trà. Dù không nói được tiếng Việt, ông vẫn ngỏ lời xin cưới bà làm vợ nhưng bị người đẹp từ chối.

Lần thứ 2 gặp nhau, Hoàng thân Luang Pradit vẫn say đắm cô “hoa khôi” Sài Gòn. Tuy nhiên, khi biết Đỗ Hữu Trí cũng có tình ý với cô Ba, vì phép lịch sự, ông chủ động từ bỏ. Dẫu vậy, ông vẫn cho thư ký tháp tùng, đưa người đẹp đi chơi ở Thái Lan.

Trong sách Các giai thoại của Nam kỳ lục tỉnh, cô Ba kể: “Ông hoàng ân cần dặn tôi, muốn ăn xài bất cứ món gì cứ tự nhiên, vì người thư ký ấy sẵn sàng trả cho tôi”.

Sau ít ngày ở nước ngoài, cô Ba về Sài Gòn, chứng kiến cảnh Nguyệt Tiên cung vắng ngắt, chủ nợ đứng chờ khắp nơi. Cô Ba buộc phải trả biệt thự, lấy tư trang, kỷ vật quý giá của những nhân tình trước kia tặng mình để cấn trừ cho chủ nợ. Trong một chiều thua bạc liên tục, cô Ba quẫn trí uống cả hộp thuốc phiện để tự sát. Cô được đưa vào bệnh viện và được chính bác sĩ A., nhân tình của mình trước kia cứu sống.

Lúc này, dù nhan sắc cô Ba đã phần nào phai nhạt, ông bác sĩ vẫn nặng tình. Ông đến thăm bà sớm tối. Mỗi khi ra về, ông còn nhét dưới gối 3 tờ 100 đồng cho bà. Tuy vậy, cô Ba vẫn không có chút rung động nào với ông.

Khi bước qua tuổi 30, cô Ba bắt đầu mơ mộng về tình yêu, khát khao được yêu và có một gia đình đúng nghĩa chứ không phải thứ tình cảm sặc mùi kim tiền, nhục dục.

Sau vô số công tử hào hoa, lịch thiệp, cô Ba phải lòng một người đàn ông nhỏ hơn mình 3 tuổi tên Thìn. Thìn khá đẹp trai nhưng gia cảnh chỉ thuộc hạng trung. Không như nhiều đàn ông khác, Thìn không bị sắc đẹp của cô Ba mê hoặc. Việc này càng khiến cô Ba say mê. Cô Ba dốc lòng chinh phục nhưng vẫn không có kết quả.

Ít lâu sau, Thìn lâm bệnh, phải nằm nhà thương. Được tin, cô Ba đến chăm sóc như người vợ hiền. Tấm chân tình của cô khiến chàng trai cảm động, mở lòng. Cả hai thuê nhà, sống với nhau những tháng ngày đẹp nhất.

Nhưng mẹ cô Ba chê con rể nghèo, ra mặt lạnh nhạt khiến Thìn rất buồn. Ngày qua đời, bà để lại di chúc gọi Toàn, người từng đem lễ đến cưới cô Ba về chịu tang. Sự việc khiến Thìn càng thêm chán nản.

Sau khi mẹ mất, trở lại Sài Gòn, cô Ba tiếp tục cờ bạc, hút sách khiến tháng ngày hạnh phúc với Thìn ngắn dần. Sau nửa năm mặn nồng, cô Ba dứt tình với người mình yêu để trở thành tình nhân của viên quan tòa đại hình Sài Gòn Trần Văn Tỷ. Tuy nhiên, sau 2 năm chung sống như vợ chồng, ông Tỷ cũng buộc phải bỏ của chạy lấy người vì thói xài tiền như núi lở của người đẹp. 

Đánh giá về cuộc đời của mỹ nữ đẹp nhất Sài Gòn xưa, học giả Vương Hồng Sển viết, cô Ba Trà từng có gần 250.000 đồng. Với số tiền này, cô Ba có thể mua 3.000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ. Thế nhưng, người đẹp lại không tính đến điều này để rồi tự đánh mất tất cả và qua đời trong tăm tối.

Kỳ tới: Mỹ nữ Sài Gòn xưa không chịu thua cô Ba Trà