Lắm cuộc thi hoa hậu quá
Theo nhà biên kịch Chu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), dư luận những năm gần đây liên tục đặt câu hỏi: Ở đâu ra lắm hoa hậu thế?, lẽ thường Cục NTBD nên siết lại các cuộc thi giờ lại nới lỏng, mở toang ra.
Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh cùng 2 á hậu. |
“Một năm, hai năm không có cuộc thi hoa hậu thì hình ảnh người phụ nữ Việt Nam có bị lu mờ, có bị mai một đi trên trường quốc tế hay không? Lắm cuộc thi quá, cuộc thi nào cũng lùm xùm, cũng có tì vết. Lúc thì hoa hậu chưa học hết lớp 12, lúc thì hoa hậu dối trá lấy chồng rồi nói chưa, có cô hoa hậu đăng quang rồi sống nhố nhăng. Tôi hoàn toàn không muốn tổ chức thi hoa hậu, người đẹp dày đặc, càng không muốn đưa về các tỉnh. Bởi để tham gia cuộc thi, có người phải bỏ bê rất nhiều thứ để dồn vào đó, quanh năm ngày tháng chỉ đi thi để sau một đêm được đổi đời”, nhà biên kịch Chu Thơm chia sẻ.
Thêm vào đó, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng thực tế, các hoa hậu sau khi đăng quang ít làm việc có ích vì cộng đồng, toàn khoe túi, khoe xe, khoe lấy đại gia. “Tôi thấy cuộc thi hoa hậu, nhà tổ chức lợi ghê gớm, họ thu được nhiều tiền từ tài trợ. Cứ hé răng ra là có nhà tài trợ trong khi các cuộc thi trí tuệ con người, trí tuệ Việt Nam như Đường lên đỉnh Olympia hay như thế thì ít người tài trợ lắm. Các cô hoa hậu đăng quang là quảng cáo nhãn hàng lộ liễu, khoe cuộc sống sang chảnh dù trước khi đăng quang chẳng khá giả gì. Nhiều người nói cuộc thi hoa hậu phải chăng để đại gia chọn vợ cũng chẳng sai”, nhà biên kịch Chu Thơm thẳng thắn.
Nhà biên kịch Chu Thơm cũng cho rằng làm gì cũng phải có cấp bậc cụ thể. “Từ học sinh giỏi của trường mới được cử đi thi học sinh giỏi cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh rồi tới thành phố, quốc gia. Hoa hậu đi thi quốc tế cũng vậy, tự nhiên chẳng có thành tích gì trong nước mà cũng được đi thi miễn có giấy mời”, ông Chu Thơm nói.
Liên quan đến dự thảo Nghị định mới về các cuộc thi người đẹp với nhiều tiêu chí được nới lỏng, ông Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong - đơn vị nhiều năm có kinh nghiệm tổ chức Hoa hậu Việt Nam chia sẻ: "Trong chương 3 dự thảo Nghị định, có một số điểm làm chúng tôi lo ngại.
Thứ nhất, hai phương án 1 và 2 của điều 23, chương 3 đều quy định các cuộc thi người đẹp, người mẫu toàn quốc sẽ do các tỉnh, thành phố nơi diễn ra vòng chung kết cấp phép. Điều này có thể dẫn đến hai hệ luỵ.
Thứ nhất, chúng ta không còn cuộc thi hoa hậu nào có thương hiệu quốc gia nữa. Thực tế trong quá trình phát triển loại hình hoạt động này, có một số cuộc thi đã tạo được uy tín vững chắc, mang tầm quốc gia và có tính đại diện lớn, trong đó có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Một trong các yếu tố làm nên tầm cỡ của nó chính là được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cao nhất về lĩnh vực này cấp phép.
Thứ hai, nhiều khả năng lại xảy ra loạn thi. Với dự thảo mỗi tỉnh thành mỗi năm được cấp phép 1 cuộc (phương án 1), thậm chí đến 4 cuộc (phương án 2), về lý thuyết mỗi năm nước ta có thể cấp phép đến hơn 60, thậm chí hơn 250 cuộc thi. Cho dù trên thực tế khó có thể xảy ra trường hợp có nhiều cuộc thi đến vậy nhưng khả năng có nhiều cuộc thi xuất hiện và loạn thi là hoàn toàn có thể xảy ra. Bấy lâu nay, các cuộc thi toàn quốc do Bộ VHTT&DL cấp phép chặt chẽ mà dư luận vẫn liên tục phê phán là loạn thì với quy định như trên, gần như chắc chắn tình hình sẽ xấu hơn.
Ông Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong. |
Trong hội nghị lấy ý kiến khi Bộ VH,TT&DL chuẩn bị dự thảo tổ chức tại TP.HCM tôi có nhấn mạnh rằng ở nước ta, danh hiệu hoa hậu và các danh hiệu cao khác trong cuộc thi hoa hậu tạo ra cho người đoạt rất nhiều cơ hội. Tức là các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở nước ta rất hất dẫn, nhất là đối với những đơn vị, cá nhân tiếp cận việc tổ chức cuộc thi thuần tuý theo hướng kinh doanh. Chúng ta vẫn nghe dư luận về những cuộc thi hoa hậu do người Việt Nam sang một nước khác tổ chức với đôi ba chục thí sinh (thiếu thì thuê thêm), thuê một phòng tổ chức sự kiện ở một khách sạn, thi một vài hoặc thậm chí một buổi là xong. Về nước vẫn công bố là hoa hậu, á hậu như ai. Bây giờ, với quy định mới này, khả năng những người như vậy không cần ra nước ngoài tổ chức nữa.
Thứ ba, quy định này nhiều khả năng gây phiền hà hơn nhiều cho những cuộc thi lớn được tổ chức nghiêm túc. Chúng tôi sợ rằng việc cấp phép của một tỉnh, thành phố sẽ không có hiệu lực đối với các địa phương khác. Những cuộc thi lớn, ngoài việc các vòng chung khảo và vòng chung kết được tổ chức tại 3 tỉnh thành khác nhau các cuộc thi phụ, các hoạt động xã hội, hoạt động đồng hành của nó còn diễn ra ở hàng chục địa phương khác nữa. Như vậy, thay vì xin phép một lần như trước đây, các cuộc thi lớn sẽ phải xin hàng chục giấy phép? Còn đối với phương án 3 của dự thảo điều 23 thì không rõ việc cấp phép sẽ thế nào.
Về điều kiện thí sinh đi thi quốc tế, dự thảo này bỏ quy định từng có trong các nghị định 79 (2012) và 15 (2016) là thí sinh đi thi các cuộc thi quốc tế phải đạt giải chính tại một cuộc thi tổ chức trong nước.
Dự thảo này có vẻ công bằng và mở ra nhiều cơ hội cho nhiều người hơn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn là những người không xứng đáng có thể làm mất uy tín của phụ nữ Việt Nam, con người Việt Nam ở bình diện quốc tế. Và với việc được gắn mác, trở về, họ có điều kiện làm nhiều thứ không ổn khác nữa. Sẽ hợp lý hơn nếu “mở” quy định “đoạt giải chính” tại các cuộc thi trong nước đó ra chút nữa. Hoặc có một cơ chế tuyển chọn, thẩm định khác''.
Các cuộc thi nhan sắc thiên về yếu tố kinh doanh nhiều hơn là tìm kiếm
Là người nhận vương miện Hoa hậu Việt Nam năm 2010, từng là thành viên giám khảo của cuộc thi này năm 2014 và tham gia "cầm cân nảy mực" trong nhiều cuộc thi sắc đẹp khác, Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ hiện có quá nhiều cuộc thi nhan sắc. Nhiều người còn nhận xét là loạn thi hoa hậu.
“Tôi là người trong nghề, trong giới nhưng đôi khi nghe tới tên một hoa hậu nào đó mà nghĩ mãi vẫn không nhớ ra bạn ấy là ai, cuộc thi bạn ấy tham gia là gì. Công chúng có khi còn hoang mang hơn. Nếu nới lỏng việc thi người đẹp như trong dự thảo mới, phân cấp cho các địa phương tổ chức thi người đẹp toàn quốc, tôi e là danh hiệu Hoa hậu sẽ trở nên tràn lan, không còn nhiều ý nghĩa như hiện nay. Nếu nới lỏng quy định, các cuộc thi nhan sắc sẽ thiên về yếu tố kinh doanh nhiều hơn là tìm kiếm, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam”, Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ.
Hoa hậu Ngọc Hân đăng quang năm 2010. |
Về việc dự thảo Nghị định mới quy định người đẹp không cần đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi trong nước vẫn được đi thi quốc tế, hoa hậu Ngọc Hân đánh giá đây là quy định rất táo bạo của người làm quản lý. “Quy định này có thể mở ra cơ hội cho rất nhiều người đẹp không phù hợp với tiêu chí các cuộc thi sắc đẹp trong nước nhưng lại có vẻ đẹp tiệm cận tiêu chí của các cuộc thi nhan sắc thế giới. Tuy nhiên, tôi nghĩ ít có đơn vị hay người đẹp nào dám mạnh dạn đem chuông đi đánh xứ người khi chưa có trải nghiệm trong các cuộc thi nhan sắc trong nước. Bởi lẽ, sân chơi quốc tế rất khắc nghiệt, phải là người có bản lĩnh, có kinh nghiệm mới dám chinh phục. Tôi đánh giá quy định trên của dự thảo là rất táo bạo”.
Hoa hậu Ngọc Hân nêu ý kiến, giải pháp an toàn vẫn là chọn người đẹp có thể không nằm trong top 3 các cuộc thi nhan sắc trong nước, chỉ đoạt giải phụ nhưng có vẻ đẹp phù hợp để tham dự các cuộc thi quốc tế.
Dàn Hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc bỏ một số quy định không đến mức làm loạn danh hiệu. Theo ông, việc cấp phép trước đây vô tình tạo nên thương hiệu cho một số cuộc thi. Sự vô tình này dẫn đến việc nhiều người lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Do đó theo ông, để tránh trường hợp này, quyền cấp phép nên trả về địa phương thay vì Cục Nghệ thuật Biểu diễn như trước đây.
Ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn - nhận định, việc gỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt trong Nghị định 79 trước đây sẽ giúp các cuộc thi sắc đẹp tự đào thải lẫn nhau. "Nói là phân cấp về địa phương, chủ yếu để đơn vị nào cấp phép thì phải có trách nhiệm với việc đó. Cục NTBD không thể nào quản lý một cuộc thi diễn ra ở rất xa. Chứ việc sợ loạn với tổ chức nhiều cuộc thi thì chưa chắc, vì năng lực của đơn vị tổ chức và cả thí sinh nữa. Ở một địa phương, làm sao một năm tổ chức được vài cuộc thi chứ, nhà tài trợ có hạn, chứ sao mà xin được nhiều, tổ chức nhiều thì thí sinh ở đâu ra? Trong khi đó, nếu xin cấp phép mà tài trợ ít không tổ chức được thì uy tín đơn vị đó sẽ giảm, lần sau xin cấp phép sẽ rất khó", ông Trần Hướng Dương chia sẻ.
Cục Phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay, sau khi lắng nghe dư luận, Cục đang chỉnh sửa dự thảo Nghị định mới và tiếp tục trình Chính phủ.
Tình Lê
'Mở toang' các cuộc thi sắc đẹp, lợi hay hại?
Dự thảo Nghị định mới về các cuộc thi người đẹp với nhiều tiêu chí được nới lỏng. Điều này mang đến nhiều băn khoăn về chất lượng, uy tín ở các cuộc tranh tài nhan sắc này.