Hôm 15/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Bắc Kinh sẽ xử lý những "công ty nền tảng" thu thập dữ liệu và nắm giữ sức mạnh thị trường. Động thái của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy chiến dịch siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn của nước này mới chỉ bắt đầu.
Theo Bloomberg, trong cuộc họp ngày 15/3, ông Tập ra lệnh cho cơ quan quản lý tăng cường giám sát các tập đoàn Internet, xóa bỏ thế độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và ngăn chặn tình trạng đầu tư ồ ạt.
Theo đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, các công ty Internet cần tăng cường bảo mật dữ liệu, trong khi những hoạt động tài chính phải được giám sát theo quy định.
Sức ép từ các nhà chức trách Bắc Kinh buộc Ant phải hủy bỏ đợt IPO trị giá 35 tỷ USD hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố mạnh mẽ
Theo Bloomberg, lời khẳng định mạnh mẽ từ ông Tập cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát sức ảnh hưởng của những tập đoàn tư nhân lớn và quyền lực nhất, bao gồm Alibaba và Ant Group của tỷ phú Jack Ma.
Thuật ngữ "nền kinh tế nền tảng" có thể áp dụng cho nhiều tập đoàn di động và Internet, từ hãng gọi xe Didi Chuxing, giao đồ ăn Meituan đến các công ty thương mại điện tử JD.com Inc. và Pinduoduo Inc. Những công ty này cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người tại Trung Quốc.
"Một số công ty nền tảng đang phát triển không theo tiêu chuẩn. Điều đó gây ra rủi ro. Cần đẩy nhanh hoàn thiện luật đối với nền kinh tế nền tảng nhằm kịp thời lấp đầy lỗ hổng", đài CCTV trích dẫn biên bản cuộc họp.
"Một số công ty nền tảng đang phát triển không theo tiêu chuẩn", CCTV trích biên bản cuộc họp của ông Tập |
Trước đó, Bloomberg đưa tin các cơ quan quản lý Trung Quốc đang nhắm vào đế chế tài chính trị giá hơn 100 tỷ USD của Tencent, sau khi thắt chặt kiểm soát Ant.
Tương tự Ant, Tencent có thể bị yêu cầu chuyển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và thanh toán sang một công ty holding. Theo nguồn tin của Bloomberg, những yêu cầu đối với Ant và Tencent có thể là lời cảnh báo cho các công ty fintech (công nghệ tài chính) khác của Trung Quốc.
Thông tin khiến giá trị vốn hóa thị trường của Tencent bay hơi 65 tỷ USD.
Hồi tháng 11/2020, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 35 tỷ USD của Ant bất ngờ bị hoãn. Sau đó không lâu, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các quy định chống độc quyền đối với những công ty công nghệ.
Sau Ant Group của Jack Ma, Tencent có thể bị chính quyền Bắc Kinh nhắm đến. Ảnh: Reuters. |
Siêu ứng dụng WeChat của Tencent cung cấp mọi dịch vụ, từ nhắn tin, đặt xe đến thanh toán. Tuy nhiên, công ty từ lâu đã bị các đối thủ cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh.
Hồi đầu năm, ByteDance nộp đơn kiện WeChat vì chặn quyền truy cập vào nội dung đến từ Douyin - một nền tảng tương tự TikTok của Trung Quốc. Tencent chỉ trích những lời cáo buộc là vô căn cứ và ác ý.
Sức ảnh hưởng khổng lồ
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, bộ ba Alibaba, JD.com và Pinduoduo chiếm tỷ trọng ngày càng tăng đối với chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Theo ước tính của eMarketer, mua hàng trực tuyến sẽ vượt 50% tổng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong năm nay.
Sức ảnh hưởng đó đã thu hút sự chú ý của các cơ quan chống độc quyền Trung Quốc. Những quy định chống độc quyền mới tập trung vào các thỏa thuận độc quyền bắt buộc (buộc đối tác không được làm ăn với đối thủ cạnh tranh), bán phá giá và ưu tiên khách hàng mới hơn khách hàng cũ.
Hàng loạt dịch vụ khác nổi lên trong những năm qua đều có thể rơi vào tầm ngắm, bao gồm dịch vụ giao đồ ăn của Meituan và gọi xe của Didi Chuxing. Một nhóm taxi địa phương cũng kêu gọi các nhà chức trách điều tra về thỏa thuận mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Trung Quốc của Didi Chuxing.
"Trong quá khứ, thế thống trị thị trường có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng giờ nó là một bất lợi", Nhà phân tích Ke Yan tại DZT Research |
"Vị thế thống trị thị trường giờ không còn là điều tốt nữa, nhất là đối với fintech và các lĩnh vực thiết yếu khác như thương mại điện tử và mua hàng nhóm", ông Ke Yan, nhà phân tích có trụ sở tại Singapore của hãng nghiên cứu DZT Research, nhận định.
"Trong quá khứ, thế thống trị thị trường có thể hấp dẫn nhà đầu tư. Nhưng giờ nó là một bất lợi", ông nói thêm.
Trong cuộc họp hôm 15/3, ông Tập khẳng định sự phát triển của nền kinh tế nền tảng Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng. Theo ông, nền kinh tế nền tảng cần tập trung vào dài hạn, lấp đầy lỗ hổng và tạo môi trường đổi mới nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững.
"Các mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc của những công ty nền tảng có thể hạn chế sự đổi mới và khả năng tạo việc làm. Sự mở rộng bừa bãi của họ chắc chắn sẽ gây trở ngại cho quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu", PGS Chen Xi tại Đại học Xi'an Jiaotong bình luận.
"Đây là một thách thức toàn cầu", bà nhấn mạnh.
(Theo Zing)