- Trước lúc chia tay, Bí thư Phạm Quang Nghị đã thông báo cho TNS John McCain rằng những gì cần sửa lại trên tấm bia bên Hồ Trúc Bạch đã được thực hiện.
>> Xem lại Kỳ 1: Vị chính khách Mỹ nổi tiếng và định mệnh Việt Nam
Sau chuyến thăm của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tháng 7/2014, ngày 26/5/2015, Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain trở lại Việt Nam với tư cách khách mời của Quốc hội Việt Nam trong một chuyến đi vào thời điểm Trung Quốc ráo riết bồi đắp đảo tại những nơi họ chiếm đoạt trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và trước ngày khai mạc Diễn đàn an ninh Shangri La ở Singapore.
Hôm đó là một ngày rất nóng bức ở Hà Nội, nhiệt độ lên tới gần 40 độ C, nhưng TNS John McCain và cả phái đoàn Mỹ vẫn trang phục complet rất trang trọng tới Thành ủy Hà Nội gặp Bí thư Phạm Quang Nghị. Được biết, trong chương trình làm việc của chuyến thăm Việt Nam lần này, TNS John McCain đã đề nghị được đến thăm và trao đổi ý kiến với Bí thư Phạm Quang Nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tiếp TNS John McCain thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Hà Nội mới |
Sau cái bắt tay thân mật, hai người trò chuyện với nhau như hai người bạn lâu ngày tái ngộ. “Chào mừng ngài tới thăm Hà Nội. Chuyến đi Việt Nam của ngài vào thời điểm trước chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nên có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài những nỗ lực chung từ hai phía, cá nhân Ngài đã có những nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hai nước và trực tiếp là chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” - Bí thư Phạm Quang Nghị mở đầu.
TNS John McCain chăm chú lắng nghe và tôi thấy rõ ánh mắt biểu lộ niềm vui của ngài TNS hướng về Bí thư Phạm Quang Nghị. Ông giới thiệu các TNS khác cùng đi trong đoàn gồm những người quan tâm đến vấn đề an ninh khu vực. Tất cả các TNS này phát biểu đều thể hiện sự vui mừng có mặt trong đoàn của TNS John McCain - người mà theo họ luôn được công chúng Mỹ đánh giá rất cao vì đã có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ. Họ cũng tỏ rõ niềm phấn khởi trước những “bước phát triển ngoạn mục” trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt đánh giá cao vai trò vị trí của Việt Nam trong khu vực, thể hiện sự lạc quan về việc ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay khi Quốc hội Mỹ đã trao cho Tổng thống Barack Obama quyền đàm phán nhanh.
Đề cập các câu hỏi của các vị khách Mỹ về xử lý những vấn đề đàm phán TPP và
vấn đề nhân quyền, Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định:
“Đảng, Nhà nước Việt Nam đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác toàn diện với
Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái, tôi đã nhấn mạnh nếu như không được nhân
dân ủng hộ, chúng ta rất khó thực hiện các chính sách. Bước tiến trong 20 năm
qua là rất dài, là kết quả nỗ lực của lãnh đạo hai bên phù hợp với mong muốn của
nhân dân hai nước.
Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao những người đi tiên phong, trong đó có TNS John McCain. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chúng tôi chủ trương khép lại quá khứ, mở ra tương lai. Tôi nghĩ rằng, những gì khó khăn nhất chúng ta đã vượt qua. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để lạc quan nhìn tới tương lai quan hệ hai nước.
Chúng ta còn những việc cần đàm phán để hoàn tất Hiệp định TPP, nhưng tôi nghĩ đó là những việc nhỏ so với những việc lớn mà chúng ta đã giải quyết được. Quốc hội Việt Nam đang họp, nhấn mạnh rất nhiều đến quyền của người lao động. Chúng tôi không có lý do gì để không quan tâm đến người lao động. Tương tự, vấn đề nhân quyền cũng như vậy. Chúng tôi luôn nỗ lực đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là nhân quyền lớn nhất.
Tăng cường quan hệ với Mỹ, tham gia Hiệp định TPP cũng là để tăng thêm việc làm, tăng thêm thu nhập của người lao động, đó cũng là nhân quyền. Việt Nam chúng tôi thực hiện nhân quyền trong điều kiện thu nhập quốc dân tính theo đầu người chưa đạt 3.000 USD, nếu chúng tôi có được 40.000 – 50.0000 USD như của các ngài thì bước tiến về nhân quyền ở Việt Nam sẽ khác xa. Chính vì thế, hy vọng các ngài có quan điểm chia sẻ, tiếp cận vấn đề phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Hy vọng hai bên sẽ đẩy nhanh đàm phán để giải quyết những tồn tại.
Quốc hội Việt Nam đang thảo luận quyền nghỉ hưu của người lao động, phải dung hòa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nên ý kiến rất phong phú. Ngài đại sứ Ted Osius hàng ngày theo dõi truyền hình tường thuật trực tiếp thấy rất rõ. Việc Việt Nam gia nhập TPP có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi tin tưởng với tầm nhìn xa của lãnh đạo hai nước, chúng ta sẽ vượt qua.
Về an ninh ở Biển Đông, chúng tôi đánh giá cao mối quan tâm của Chính phủ, Quốc hội Mỹ, của các TNS, đặc biệt là của cá nhân ngài John McCain. Đây là một thách thức không của riêng ai. Vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích của toàn thế giới. Các ngài quan tâm chính đáng đến sự an toàn tự do hàng hải, hàng không.
Tôi nghĩ còn một vấn đề lớn hơn, đó là sự tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Làm sao một nước dù lớn, dù nhỏ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, của luật pháp quốc tế. Việt Nam là một trong những nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông. Chúng tôi không có mong muốn gì hơn là các tranh chấp đều được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bằng luật pháp quốc tế. Nếu ai đó không tự nguyện chấp hành thì cộng đồng quốc tế phải có biện pháp yêu cầu nước đó phải tuân theo.
Về vấn đề cá ba sa, chúng tôi vui mừng vì quyết định của ngài đã được thực hiện trước khi sang Việt Nam. Việc phá bỏ rào cản đối với cá ba sa vừa giúp nông dân Việt Nam, vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng Mỹ. Đây có thể coi là ví dụ mẫu mực về sự cân bằng của giao thương quốc tế. Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện nguyên tắc giao thương đó. Trên thực tế, hai bên đang nỗ lực thực hiện tuyên bố cấp cao Việt – Mỹ” – Hết trích.
Trước lúc chia tay, Bí thư Phạm Quang Nghị đã thông báo cho TNS John McCain rằng những gì cần sửa lại trên tấm bia bên Hồ Trúc Bạch đã được thực hiện. TNS John McCain vui vẻ nói ngay: “Tôi đã nhận thấy sự thay đổi đó rồi, cũng như diện mạo chung xung quanh đã được nâng cấp. Xin cảm ơn ngài Bí thư! Tôi rất vui mừng được giới thiệu với các đồng nghiệp hôm nay về việc đó.”
Ông McCain và các TNS Mỹ trong cuộc họp báo tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/5/2015. Tại đây, ông cho rằng “Việc Trung Quốc đưa vũ khí tới đảo nhân tạo là vi phạm luật pháp quốc tế, gây lo ngại và làm leo thang căng thẳng trong khu vự |
Trong ngày hôm đó, sau buổi tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TNS John McCain và đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến Hồ Trúc Bạch để thăm bia kỷ niệm và chụp ảnh lưu niệm tại đó.
Trong cả hai cuộc gặp ở Washington và ở Hà Nội, tôi đều nhận thấy câu chuyện giữa hai người liên quan đến bức ảnh về tấm bia bên hồ Trúc Bạch đều diễn ra trong bầu không khí thoải mái, vui vẻ. Được biết, trong những năm tháng chiến tranh, không lâu sau khi Thiếu tá John McCain bay trên bầu trời miền Bắc Việt Nam để thực hiện các phi vụ oanh kích thì người thanh niên miền Bắc Phạm Quang Nghị đã vào chiến trường miền Đông Nam Bộ đầy gian lao làm nhiệm vụ.
Cả hai con người này, giống như bao người khác, từng ở hai đầu chiến tuyến của cuộc đụng đầu lịch sử - một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 20 - giờ đây đang cùng hướng về tương lai, cùng nỗ lực góp phần xây đắp mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Những ai đã trải qua máu lửa chiến tranh, một mất một còn mà may mắn được trở về, đều thấu hiểu giá đắt của chiến tranh và giá trị quý báu của hòa bình. Vì thế, việc họ quý trọng, chia sẻ với nhau các kỷ vật thời chiến âu cũng là điều dễ hiểu.
Trên bậc thềm phòng khánh tiết Thành ủy Hà Nội, trước lúc chia tay, TNS John McCain nói thêm: “Sáng nay tôi đã đi thăm Hỏa Lò. Đã có lúc tôi cố nhớ ra vị Chủ tịch Hà Nội lúc đó. Đó có phải là ông Trần Duy Hưng không, thưa ngài? Bây giờ Hỏa Lò đã có nhiều thay đổi, nhưng có thể nói người Pháp đã xây nhà tù rất tốt”. Thật là một nhận xét rất hóm hỉnh, đúng với tính cách con người ông John McCain.
Trời Hà Nội vẫn nắng như đổ lửa, nhưng trên gương mặt của chủ và khách đều nở những nụ cười như để tán đồng về những gì mà Chính phủ và nhân dân hai nước đã làm với quyết tâm “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”.
Hồ Quang Lợi
Xem thêm các bài trong mạch 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ: