Một buổi chiều tháng 5, Li Jiazhou (14 tuổi) bất ngờ bị hai người đàn ông tự xưng đến từ Sở giáo dục đưa đi, với lý do hỏi chuyện bỏ học.
Họ thực chất làm việc tại một trung tâm “cai nghiện” Internet, do một cựu đại tá quân đội Trung Quốc lập ra. Người trả tiền để 2 người đàn ông đưa cậu bé đi là bà Qiu Cuo, mẹ của Li Jiazhou.
Bà Qiu lo lắng bởi việc con mình đã bỏ ăn, ngủ nhiều tuần liền để chơi Liên minh huyền thoại và Liên quân phiên bản Trung Quốc. Có những ngày Li chơi tới 20 giờ.
“Thằng bé tự cách ly khỏi cuộc sống bình thường. Nhà tôi không dám cắt Internet, bởi sợ nó tự hại mình. Tôi rất đau lòng”, bà Qiu vừa khóc vừa kể lại về buổi chiều hôm đó.
Cai nghiện Internet bằng kỷ luật quân đội
Li chỉ là 1 trong gần 100 thanh niên, cả nam và nữ gia nhập Trại phát triển tâm lý thanh thiếu niên, với trụ sở nằm ở tòa nhà cách Bắc Kinh khoảng 30 km. Hầu hết thiếu niên tham gia khóa huấn luyện đều bị cha mẹ bắt đi vì quá nghiện Internet.
Trung tâm này do Tao Ran, cựu đại tá tâm lý trong quân đội Trung Quốc lập nên năm 2003.
Theo lời kể, trói vào giường cũng là một biện pháp tại những “trại cai nghiện”. Ảnh: SCMP. |
“Đây không còn là vấn đề của thiếu niên nữa. Chúng tôi có cả những em nhỏ chỉ 9 tuổi lẫn những người trưởng thành trong độ tuổi 30. Những năm gần đây chúng tôi cũng có nhiều em gái và trẻ con từ vùng nông thôn hơn”, ông Tao nói trên SCMP.
Gọi nghiện Internet là “vấn đề lớn của Trung Quốc”, ông Tao cho rằng có tới 10% trẻ vị thành niên ở Trung Quốc bị ám ảnh với Internet.
Có những trường hợp sẵn sàng mặc tã để có thể ngồi cạnh máy lâu hơn mà không cần đi vệ sinh. Một em nhỏ trước khi tham gia khóa đào tạo đã trộm 30.000 tệ của cha mẹ, và đi tới “sống” tại một quán game hơn nửa năm.
Khi tham gia khóa huấn luyện, cả trẻ em và phụ huynh đều phải ở lại trung tâm nhưng được chia thành những khu khác nhau. Trong khi đối tượng huấn luyện tham gia những lớp học cả về tâm lý, thể chất thì những bậc phụ huynh cũng được đào tạo lại về cách làm cha mẹ, như cách giao tiếp với con.
Cứ 5h sáng, các “bệnh nhân” sẽ được gọi dậy và tập thể dục vào lúc 6h. Bữa sáng diễn ra lúc 7h10, và sau đó là quy trình đào tạo bao gồm cả những lớp tư vấn tâm lý, trao đổi nhóm, hoạt động thể chất và những hoạt động khác.
Giờ đi ngủ là 21h30. Những ngày cuối tuần được dành cho việc dọn dẹp, giặt giũ và tổng kết tuần vừa qua.
Bên trong tòa nhà là một không gian mở cho các hoạt động thể chất, nhà ăn, khu nhà ở. Không một thiết bị điện tử nào được phép mang vào đây.
“Bệnh nhân” thường xuyên tham gia những lớp học để ổn định về tâm lý, thể chất. Ảnh: SCMP. |
Theo lời kể của những người từng tham gia, các bệnh nhân cực đoan có thể bị trói chặt vào giường cho tới khi bình tĩnh trở lại. Những trường hợp nặng nhất có thể bị đưa vào một phòng cách ly lên tới 10 ngày.
Tuy nhiên trung tâm này phủ nhận biện pháp trói bệnh nhân, còn biện pháp cách ly là để bệnh nhân tự suy nghĩ về bản thân, một liệu pháp được dùng trong quân đội.
Tại nhiều trung tâm cai nghiện Internet, những biện pháp cực đoan như sốc điện khiến nhiều người sợ hãi.
Tuy nhiên ông Tao khẳng định trung tâm của ông không dùng biện pháp này, mà kết hợp cả dùng thuốc, tư vấn tâm lý, hoạt động thể chất, tiếp xúc gia đình. Một liệu trình điều trị kéo dài ít nhất 3 tháng, với chi phí 10.000 tệ/tháng.
Ước mong “hòa nhập xã hội” sau vài tháng
"Nghiện lên mạng" đã được công nhận là bệnh tâm lý tại Trung Quốc từ năm 2008.
Từ tháng 8/2018, Trung Quốc bắt đầu siết chính sách đối với ngành game. Số game được cấp phép ngày càng ít, các công ty phải cam kết những biện pháp hạn chế thời gian chơi game của trẻ em.
Để đáp ứng các yêu cầu này, Tencent, nhà phát hành game lớn nhất Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế tuổi và thời gian chơi của trẻ em. Trong khi đó, nhiều trẻ em và phụ huynh mong cuộc sống sẽ thay đổi sau vài tháng điều trị tại trung tâm.
Hàng rào thép gai bao phủ trung tâm tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP. |
Zhao Xiaojia, 15 tuổi, vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên cậu trải qua tại trung tâm. Sau khi lên mạng triền miên trong 2 tháng, có những lúc tham gia chat vài ngày liên tục và không bỏ tai nghe kể cả khi ngủ, cha mẹ Zhao quyết định đưa cậu bé đi điều trị.
“Cháu hét suốt hôm đầu tiên, cháu không biết đây là đâu và không muốn ở lại đây. Cháu không được gặp bố mẹ, đánh nhau với bảo vệ và bị trói vào giường thép nửa ngày”, Zhao kể lại.
Một thiếu niên đang đeo thiết bị theo dõi xung động não tại trung tâm. Ảnh: ABC. |
Tại trung tâm, Zhao trải qua những buổi thảo luận nhóm hàng sáng, với hàng chục bạn cùng lứa tuổi.
Chuyên gia tâm lý sẽ cùng các em thảo luận về nhiều vấn đề như trạng thái trầm cảm.
Sau những buổi trị liệu nhóm là tư vấn trực tiếp, hoạt động gia đình và những hoạt động thể dục thể thao.
Zhao đã ở trung tâm được gần 7 tháng.
Wang Guoqiang, công nhân tại tỉnh Hà Bắc đã ở lại trung tâm với con trai gần 1 năm.
Số tiền trị liệu bỏ ra lên tới 150.000 tệ, một khoản rất lớn với gia đình anh. Tuy nhiên Wang tin rằng bỏ ra chừng đó vẫn đáng.
“Chúng tôi đang bỏ tiền để cứu lấy cuộc đời con. Trước đây nó luôn cảm thấy trống rỗng và chỉ vui khi chơi game”, Wang chia sẻ.
Trong khi con trai theo lộ trình trị liệu, Wang cũng được học để “trở thành người cha tốt hơn”.
“Tôi tin là con mình sẽ hòa nhập lại với xã hội sau khi ra khỏi đây”, Wang nói.