Cuộc sống trên hòn đảo 'dư thừa' hàng nghìn nam giới
Cuốn sách "Atlantic Cowboy" của nhiếp ảnh gia Andrea Gjestvang cho thấy sự mất cân bằng giới tính ở một trong những vùng bị cô lập nhất của Đan Mạch.
Khi Andrea Gjestvang, nhiếp ảnh gia người Na Uy, bắt tay thực hiện dự án sách Atlantic Cowboy vào năm 2014, đàn ông ở quần đảo Faroes, Đan Mạch đông hơn phụ nữ gần 2.000 người. Dân số của đảo khi đó chưa đến 50.000 người. Hiện tại, dân số ở đây hơn 52.000 người, nhưng mức độ chênh lệch về giới vẫn rất lớn, theo VICE News.
Nhiều phụ nữ đã rời đảo để đến Copenhagen và các thành phố châu Âu khác tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc mới. "Đàn ông Faroe truyền thống, nhưng phụ nữ thì hiện đại hơn", Òlavur, cư dân trên đảo, nhận xét. Chàng trai 22 tuổi này là một trong số rất nhiều thanh niên mà Gjestvang đã gặp khi viết Atlantic Cowboy.
Theo Gjestvang, các cô gái gần như có rất ít cơ hội học tập, phát triển ở một nơi cô lập như Faroe. "Bạn có thể học làm giáo viên hoặc điều dưỡng, nhưng nếu muốn học điều gì đó mang tính hàn lâm hoặc sáng tạo hơn, bạn phải ra nước ngoài. Nhưng khi quay về, bạn không tìm được việc làm. Đó là lý do rất nhiều người không trở lại nữa".
Đàn ông sinh sống trên đảo chủ yếu làm nghề đánh cá hoặc nông nghiệp. Họ thường sống với anh trai hoặc cha mẹ. Những nam giới lớn tuổi - nông dân, ngư dân hoặc đã nghỉ hưu - khá hài lòng về hoàn cảnh hiện tại. Nhưng họ lo lắng về thế hệ trẻ và cuộc sống ở các ngôi làng sẽ ra sao nếu thiếu phụ nữ. "Những người đàn ông trẻ hơn phàn nàn rằng tất cả những cô gái học cùng trường với mình đều đã đi hết", Gjestvang nói.
Sau nhiều năm quan sát, Gjestvang nhận ra một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ tại Faroe là nơi này đang quá chú tâm vào các công việc truyền thống như đánh cá. Nhiều chàng trai từ bỏ việc học sớm hơn các cô gái để theo cha lênh đênh trên những con thuyền. Phụ nữ được học hành tốt hơn thường không chọn gắn bó với những công việc tay chân như vậy.
Phụ nữ châu Á thường làm việc trong các nhà máy cá của người Faroe. Truyền thống rất quan trọng đối với cộng đồng Faroe, nhưng người nước ngoài vẫn được chào đón trên hòn đảo này. "Đây là vấn đề sống còn, bởi những phụ nữ trẻ lẽ ra phải ở đây để sinh con đã không còn nữa", Hermann Oskarsson, cựu cố vấn kinh tế, nhận định.
Bjarni Ziska Dahl, giáo viên trên đảo, đã kết hôn với Che, phụ nữ Philippines, vào năm 2010. Anh trai và một số bạn bè của Bjarni cũng lập gia đình với người nước ngoài. "Faroe cần những người phụ nữ này. Vợ tôi cũng đến từ một hòn đảo nên chúng tôi có quan điểm, suy nghĩ khá giống nhau", Bjarni nói. Vợ anh, Che, cho biết thêm: "Mối quan hệ gia đình thân thiết ở Philippines cũng giống như ở đây. Tôi cảm thấy như đang ở quê nhà".
Theo Zing