Mỗi lần thấy những đứa trẻ Việt theo cha mẹ đến Penang du lịch và lưu trú tại khách sạn nơi mình làm việc, chị Thảo - nhân viên dọn phòng - đều rất vui và thường mua tặng chúng những món quà nho nhỏ bằng đồng lương ít ỏi của công việc dọn dẹp, khi là cái kẹo, khi là que kem.

Chúng khiến chị nhớ đến hai cậu con trai của mình, những đứa trẻ phải xa cha mẹ từ khi còn rất nhỏ và đang sống với ông bà ở huyện Hà Trung, Thanh Hoá.

Chị Thảo, 30 tuổi, là lao động bất hợp pháp ở thành phố Penang, Malaysia từ tháng 3 năm 2018. Khi chị sang, cậu con trai thứ hai mới được gần một tuổi và con trai thứ nhất tròn 8 tuổi. Hơn một năm qua, chị chưa về thăm con và gia đình.

Đây không phải là lần đầu tiên chị đến thành phố này làm việc chui. Hai năm trước, chị rời Malaysia về nước khi mang thai con thứ 2 được 7,5 tháng.

Thành phố an toàn nhưng luôn sống trong lo sợ

Penang được biết đến là một trong những thành phố lớn nhất của Malaysia và cũng là nơi có cộng đồng lao động Việt sinh sống và làm việc đông đảo khoảng 2.000 người. So với các thành phố lớn khác như thủ đô Kuala Lumpur hay bang Johor, hòn đảo này được đánh giá là nơi an toàn nhất, có cuộc sống dễ chịu, nhiều cơ hội việc làm và chi phí sinh hoạt rẻ hơn các nơi khác. Đây cũng là nơi 2 người chị gái của chị Thảo đã từng sang lao động trước đó.

Chồng chị cũng đã sang đây được hơn 5 năm và làm công nhân xây dựng. Trong suốt 5 năm qua, anh chưa từng về Việt Nam vì không có giấy tờ hợp pháp. Khi anh đi, cậu con trai thứ nhất mới được hơn 2 tuổi và anh cũng chưa từng gặp đứa con thứ hai của mình.

{keywords}
Chị Thảo là nhân viên dọn dẹp duy nhất của cả khách sạn. Công việc của chị bao gồm thay chăn ga, quét dọn phòng nghỉ, cọ rửa nhà vệ sinh, lau nhà. Ảnh: Hà Bùi.

Chị kể rằng: “Mỗi lần nhìn thấy cảnh sát trên đường, mình sợ hãi đến mức chân tay bủn rủn. Mình không có giấy tờ nên có thể bị bắt bất cứ lúc nào”.

Những lao động bất hợp pháp như gia đình chị Thảo đã đến Malaysia bằng rất nhiều con đường. Để đảm bảo được nhập cảnh, đa số họ tìm đến những công ty môi giới chuyên đưa người ra nước ngoài với hai con đường hàng không và đường bộ, giá cho mỗi trường hợp này là 1.600 ringgit (khoảng 9 triệu đồng) đối với đường bộ và 1.700 ringgit (9,55 triệu đồng) đối với đường hàng không chưa bao gồm vé máy bay.

Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp giả sang với tư cách đi du lịch và bỏ trốn ở lại.

Nghe người ta kể chuyện bị bắt thì cũng sợ lắm, nhưng vẫn phải bất chấp để đi làm, nếu không thì không có gì để nuôi con.

Đạo luật nhập cư của Malaysia 1959 - 1963 quy định xử phạt về nhập cư trái phép, lao động bất hợp pháp và bất cứ ai sử dụng, bao che lao động bất hợp pháp, đối với việc nhập cảnh cũng như lưu trú quá hạn, mức phạt tối đa là 10.000 ringgit, tương đương khoảng 57 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 5 năm, hoặc cả hai hình phạt trên. Ngoài ra, họ cũng phải nộp thêm mức án phí là 3.000 ringgit, khoảng 17 triệu đồng.

Theo nhà chức trách Malaysia, có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài có đăng ký với chính quyền ở Malaysia và 1 triệu lao động khác đang làm chui tại quốc gia này.

Theo lời những lao động đã từng bị bắt kể lại, nếu bị bắt trong các đợt truy quét của cảnh sát, họ thường ở tù trong thời gian 3-6 tháng. Trong thời gian này, họ phải làm việc mỗi ngày cho đến khi đủ tiền để trở về và chỉ được trả 1 ringgit/ngày, tức là khoảng 5.600 đồng.

“Nghe người ta kể chuyện bị bắt thì cũng sợ lắm, nhưng vẫn phải bất chấp để đi làm, nếu không thì không có gì để nuôi con, ở quê mình nghèo quá” - chị Thảo nói.

{keywords}
Mặc dù phải làm rất nhiều việc nhưng chị Thảo cảm thấy mình may mắn vì có được người chủ tốt. Ảnh Bùi Hà.

Đối với những người lao động chui như chị Thảo, việc đi lại đến các điểm du lịch, những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, các trung tâm thương mại lớn… là điều gần như bất khả thi bởi không có giấy tờ chứng minh sinh sống và làm việc hợp pháp tại đây.

Chính phủ Malaysia thường có những đợt truy quét bất ngờ tại các khu vực này để bắt giữ những lao động bất hợp pháp đến từ Myanmar, Việt Nam, Bangladesh…

Mặc dù đã sống ở Penang được 2 năm - hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất Malaysia nhưng chị Thảo chưa từng đến thăm hay đi chơi ở các địa điểm du lịch, vui chơi ở đây vì muốn tránh những rắc rối và nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, chị cũng muốn tiết kiệm nhiều nhất có thể để gửi tiền về quê.

Bài toán mưu sinh vô định

Trước khi làm nhân viên dọn phòng, chị Thảo từng bán hàng cho các cửa hàng ăn. Phục vụ nhà hàng, nhân viên khách sạn, công nhân xây dựng là những công việc phổ biến của lao động Việt bất hợp pháp ở đây bởi không đòi hỏi quá nhiều giấy tờ phức tạp.

Chi phí môi giới trung bình cho mỗi trường hợp xuất khẩu lao động sang Malaysia là khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, các dịch vụ này thường chỉ cung cấp công việc làm công nhân trong các nhà máy với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng, nếu làm tăng ca thường xuyên thì thu nhập có thể được hơn 9 triệu đồng mỗi tháng.

“Công việc trong nhà máy ở bên này rất vất vả, lương thì không cao như những gì công ty môi giới thường giới thiệu” - chị khẳng định.

Làm việc chui, thu nhập của hai vợ chồng lên tới con số 20 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài tiền chi trả cho việc thuê nhà, các chi phí sinh hoạt, các khoản thuế sản ở quê, tiền tiết kiệm, hàng tháng họ gửi về quê 2 triệu đồng tiền mua sữa cho các con.

Tỷ lệ người Việt lao động bất hợp pháp ở Malaysia là rất lớn, gần như cứ 10 người thì có 5 người là lao động trái phép.

"Làm công nhân nhà máy không đủ tiền gửi về quê đâu", chị Lê Thị Hà, 47 tuổi, công nhân của một nhà máy chế tác vàng ở Penang nói với Zing.vn. Chị là một trong những người lao động hợp pháp tại đây.

Người phụ nữ quê Hà Tĩnh này đã sang đây làm việc được hơn 5 năm, mỗi tháng chị dành dụm được khoảng 15 triệu đồng gửi về quê nhà. Công việc 9 tiếng ở nhà máy chỉ giúp chị kiếm được 1.600 ringgit, tức hơn 9 triệu mỗi tháng, trong đó đã bao gồm các khoản thêm giờ và tiền phụ cấp hỗ trợ độc hại. Sau giờ làm việc, chị Hà lại tiếp tục đi phụ bán hàng cho một quầy nước trái cây trên phố đến 1 giờ sáng với mức lương 7,5 triệu đồng.

{keywords}
Mỗi ngày chị Hà làm việc 16 tiếng để có thể kiếm được gần 3.000 ringgit mỗi tháng. Ảnh: Hà Bùi.

Để có thể tiết kiệm được tiền, chị chỉ mặc những bộ quần áo cũ được tặng lại, không tụ tập bạn bè cũng như không tiêu xài quá nhiều, tranh thủ ăn ở chỗ làm và làm việc nhiều nhất có thể.

“Khoản chi tiêu lớn nhất mỗi tháng có lẽ là thẻ điện thoại, 30 ringgit (170 nghìn đồng) đăng ký Internet để gọi điện thoại về cho chồng hàng ngày.” - chị Hà nói.

Anh Hồ Anh Tiềm, Giám đốc công ty KH Design & Decoration SDN BHD và cũng là người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người Việt lao động trái phép ở Penang, cho biết: “Tỷ lệ người Việt lao động bất hợp pháp ở Malaysia là rất lớn, gần như cứ 10 người thì có 5 người là lao động trái phép”.

{keywords}
Căn phòng rộng 12 m2 do công ty cấp cho chị Hà cách xưởng làm việc gần 3km. Ảnh: Hà Bùi.

“Tuy nhiên, lỗi lớn nhất là của những bên môi giới. Trước khi sang, ai cũng được giới thiệu là công việc lương cao, đãi ngộ tốt nhưng đến lúc đi làm bên này họ mới nhận ra để kiếm 2.000 ringgit với công việc là công nhân trong các nhà máy gần như là không thể. Nếu rất chăm chỉ, bao gồm cả tiền tăng ca thì cao nhất chỉ có thể được khoảng 1.600 ringgit. Trong khi nếu làm tự do thì có thể kiếm được 2.000 - 2.200 ringgit một tháng.” - anh Tiềm giải thích.

Ngoài ra, điều kiện lao động vất vả, phải làm việc liên tục trong nhà máy từ sáng đến tối, không có giờ nghỉ giải lao cũng khiến những công nhân Việt cảm thấy chán nản, bất mãn và bỏ ra ngoài.

Sướng, khổ hơn nhau ở… ông chủ

Bên cạnh việc tìm được công việc có thu nhập tốt, những lao động Việt ở nước ngoài, đặc biệt là những người lao động bất hợp pháp đều có mỗi nỗi lo lắng về chủ lao động. Chủ tốt hay chủ không tốt? Hay xa hơn là điều kiện lao động có đảm bảo hay không.

Trong khi những người lao động hợp pháp được hưởng đầy đủ các hỗ trợ như tiền hỗ trợ về môi trường lao động độc hại, lương thưởng thêm, bảo hiểm y tế hay chu cấp chỗ ở, tổ chức du lịch trong và ngoài nước hàng năm… thì đối với lao động bất hợp pháp lại ở trong một tình thế rất bấp bênh.

Không chỉ đối mặt với việc bị bắt bất cứ lúc nào trong các đợt truy quét của chính quyền bản địa, họ còn phải chấp nhận mọi sự đối xử, đôi lúc là rất bất công từ người chủ.

Nếu bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp trái phép, người chủ lao động cũng sẽ bị phạt với số tiền 10.000 ringgit, tương đương 56 triệu đồng.

Nói về người chủ cũ của mình, chị Thảo cho biết: “Nếu mình cứ ngoan ngoãn làm việc cho họ thì không sao, nhưng nếu mình muốn bỏ đi tìm công việc tốt hơn, họ sẽ tìm cách nói những lời không tốt với những người chủ khác để mình không bao giờ kiếm được việc mới”.

Về ông chủ hiện tại, chị khoe may mắn gặp được người tốt bụng. Thấy chị bỏ bữa thường xuyên vì tham việc, người chủ vẫn hỏi: “Thảo ơi tại sao cô không ăn cơm? Nếu không ăn làm sao có sức để làm việc”. Những lúc như vậy chị nửa đùa nửa thật: “Không sao, nghĩ đến việc có thể kiếm được nhiều tiền gửi về nhà, tôi không còn thấy đói nữa”.

{keywords}
Chị Hà kể ông chủ người Hoa trông cục cằn nhưng tốt tính. Ảnh: Hà Bùi.

Ông chủ người Hoa của chị Hà thì lại là người không khéo léo trong khoản ăn nói, chẳng mấy khi cười. "Ông già trông cục cằn vậy thôi nhưng tốt tính", chị Hà bảo. "Người ta tốt với mình thì mình mới làm được cho họ đến 5 năm nay. Chị làm ở đây từ khi chị mới chỉ bập bõm vài chữ tiếng Trung, bây giờ không chỉ nói được tiếng Trung mà còn cả tiếng Mã, tiếng Anh, tiếng Hokkien”.

Con đường nào để trở về?

Cứ 2-3 năm một lần, vào ngày quốc khánh 31/8, chính phủ Malaysia lại có một đợt khoan hồng dành cho những lao động nước ngoài bất hợp pháp trên toàn quốc, giúp họ làm lại giấy tờ lao động hợp pháp, làm visia cư trú.

Vào những dịp này, nhờ kinh nghiệm do đã có 17 năm sinh sống tại Malaysia, anh Tiềm thường giúp những người Việt lao động bất hợp pháp tại đây làm các thủ tục để tham gia vào các đợt khoan hồng này và có thể sinh sống và làm việc một cách hợp pháp.

{keywords}
Thành phố Penang là nơi được xem là an toàn đối với người Việt và có chi phí sống không quá đắt đỏ. Ảnh: Hà Bùi.

"Đúng là công việc làm ngoài có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhưng phải sống chui lủi, luôn nơm nớp lo sợ sẽ bị bắt. Để đảm bảo được lợi ích và an toàn lâu dài thì làm việc hợp pháp ở đây vẫn là tối ưu." - anh Tiềm khẳng định.

Thông thường, khi muốn trở về, những người lao động bất hợp pháp thường tìm đến các công ty môi giới giúp “mua cửa” hải quan để trở về qua đường hàng không hoặc đường bộ qua Thái Lan, Lào.

Nếu trong trường hợp may mắn không bị bắt, chị Thảo cũng muốn có thể làm việc ở đây khoảng 3 năm để có thể dành dụm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên vì cha mẹ ở quê đã già yếu nên chị đang suy nghĩ về việc sẽ trở về vào năm sau.

Còn chị Hà vẫn chưa có kế hoạch về Việt Nam nhưng vì sắp có cháu ngoại nên chị sẽ thu xếp một chuyến để về thăm khi cháu ra đời. Chị nói: "Còn kiếm được tiền thì còn ở lại, đến khi nào không thể làm được nữa thì sẽ trở về."

(Theo Zing)