Hai thập kỷ trước, ông Nurul Islam (70 tuổi) kiếm sống bằng nghề đánh cá trên sông Buriganga. Con sông này chảy về phía tây nam Dhaka, và từng là tuyến đường thủy huyết mạch của Bangladesh.
Nhưng giờ đây, hầu như không còn con cá nào trên sông, do nước bị ô nhiễm. Ông Islam buộc phải chuyển sang nghề bán đồ ăn vặt bên đường để kiếm sống.
“Hai mươi năm trước, nước sông rất sạch. Nó tràn đầy sức sống”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Islam nhớ lại cuộc sống trên sông Buriganga của nhiều thế hệ trong gia đình.
“Chúng tôi từng tắm sông. Có rất nhiều cá. Chúng tôi từng kiếm sống bằng nghề đánh bắt. Nhưng mọi thứ giờ đã thay đổi”, ông Islam tâm sự.
Nước trên sông Buriganga bị ô nhiễm đến mức chuyển thành màu đen kịt, trừ những tháng mưa lũ, nhưng mùi hôi thối thì bốc lên quanh năm.
Bangladesh có gần 170 triệu dân với khoảng 23 triệu người sống ở thủ đô. Bangladesh có khoảng 220 con sông, và một phần lớn dân số nước này phụ thuộc vào các con sông để kiếm sống và đi lại.
Bangladesh hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nhiều người dân và các nhà hoạt động môi trường Bangladesh cho rằng, sự bùng nổ của ngành công nghiệp này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm hệ sinh thái trên sông Buriganga.
Nước thải chưa qua xử lý, sản phẩm phụ của quá trình nhuộm vải, và chất thải hóa học từ các nhà máy và xí nghiệp vẫn hàng ngày chảy ra sông Buriganga. Chất thải polythene và nhựa còn chất đống dưới lòng sông, khiến nó trở nên nông hơn, và gây ra sự thay đổi dòng chảy.
Ông Siddique Hawlader (45 tuổi) làm nghề lái đò trên sông chia sẻ: “Những người tắm trên sông thường bị ghẻ lở trên da. Đôi khi mắt của chúng tôi còn bị ngứa và bỏng rát”.
Thiếu nhân lực giám sát
Vào năm 1995, Bangladesh yêu cầu tất cả đơn vị công nghiệp bắt buộc phải sử dụng nhà máy xử lý nước thải để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm trên các con sông. Nhưng vấn đề này dường như vẫn bị các chủ doanh nghiệp phớt lờ.
Theo ông Mohammad Masud Hasan Patwari, một quan chức bảo vệ môi trường ở Bangladesh, dù chính phủ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các quy tắc được tuân thủ, nhưng lại thiếu nhân lực làm công tác giám sát “suốt ngày đêm”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) tuyên bố, tất cả các nhà máy dệt may đều đã có nhà máy xử lý nước thải. “Đây là điều bắt buộc, bởi chúng tôi cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”, Shahidullah Azim, một quan chức của BGMEA cho biết.
Còn theo ông Sharif Jamil thuộc nhóm môi trường Bangladesh Paribesh Andolon, “sông Buriganga từng rất sạch, nhưng nó đang trên bờ vực chết chóc vì chất thải công nghiệp và chất thải của con người. Con sông này không có cá hay thủy sinh vào mùa khô. Chúng tôi gọi nó là sông chết về mặt sinh học”.
Một số hình ảnh về con sông "chết" Buriganga: