- Mỗi ngày, từ 15 giờ chiều, khi một số sạp hàng ở chợ Nhật Tảo trên đường Nguyễn Duy Dương (phường 4, quận 10, TP.HCM) đóng cửa, hai sạp rau xanh ở đầu chợ bắt đầu hoạt động. Hàng hóa được chuyển đến, người chủ vội vàng bày hàng và một ngày mới của họ bắt đầu...

Sạp hàng của những người khiếm thính

Sạp hàng ở mặt đường nên có nhiều khách ngang qua ghé lại. Một bó rau, vài trái chanh, ít củ hành... được bán rất nhanh. Người mua chỉ cần lựa cho vào rổ rồi đưa cho chủ sạp. Chủ sạp định giá rồi ra hiệu cho người mua, nhận tiền và tiếp tục với người khác ...

{keywords}

Hai gian hàng của hai chi em khiếm thính ở chợ Nhật Tảo.

Cảnh mua bán diễn ra trong im lặng, không ai nói với ai, mọi trao đổi chỉ cần qua cử chỉ và hành động. Vậy mà ai cũng hài lòng. Người mua người bán chỉ chào nhau, cám ơn nhau bằng nụ cười thật tươi.

{keywords}

Chị Minh Giang đang bán hàng cho khách.

Cả hai chủ sạp đều là phụ nữ trung niên. Trên gương mặt, hai người có nét giống nhau, những nếp nhăn thoáng hiện sau mỗi nụ cười. Chúng tôi gọi: "Chị ơi" nhiều lần chị vẫn bình thản không trả lời...

"Chú cần cứ nói với con. Mẹ con bị khuyết tật không nói được. Dì con bán bên cạnh cũng thế", một cô gái đứng gần đó thay mẹ trả lời với chúng tôi. Thì ra chủ hai sạp là hai chị em đều là người khiếm thính.

{keywords}

Chị Minh Tân

Cô gái nói với chúng tôi: "Con thường ra phụ mẹ mỗi khi rảnh rỗi. Cả nhà ngoại con có 11 người con thì 5 người bị câm bẩm sinh, trong đó có mẹ con. Mẹ con sinh ra 3 người con và cũng 1 người bị tật như mẹ".

Cô gái có tên Nguyễn Thị Thu Hà, 31 tuổi, kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của gia đình: "Mẹ con tên Nguyễn Thị Minh Tân, 52 tuổi. Nhà nghèo, đông anh chị em nên mặc dù bị dị tật nhưng mẹ con và dì Minh Giang (59 tuổi) vẫn chạy chợ để kiếm tiền phụ ngoại sinh sống. 

Mẹ và dì con lấy chồng cùng là người khuyết tật câm điếc nhưng cuộc tình của cả hai người đều dở dang. Mẹ con sinh ra 3 người con thì ba con bỏ đi đến giờ. Một mình mẹ nuôi các con đến khôn lớn. Dì con cũng sinh 3 đứa nhưng không may mất 2 người.

Từ hơn 20 năm nay, mẹ và dì con bám lấy nơi này để sinh sống, để nuôi bầy con thơ dại. Hàng ngày cứ từ 15 giờ chiều hai người bán đến 3 giờ sáng hôm sau mới dọn hàng nhường chỗ cho người bán buổi sáng". 

Thu Hà kể tiếp: "Mẹ và dì đều không nói được nhưng con biết trong thâm tâm 2 người không hề có chút oán trách ai cả. Dường như mẹ và dì an phận cho rằng đó là số phận của một đời người phải mang lấy.

Hiện giờ con cũng đã có gia đình, công việc chưa ổn định lại phải chăm con thơ dại. Con chỉ mong muốn được có điều kiện giúp mẹ để mẹ có thể bớt đi những công việc nặng nhọc, vui với tuổi già... ".

Căn nhà 3 thế hệ, 29 nhân khẩu

Câu chuyện giữa chúng tôi và Hà vẫn tiếp tục. Bên ngoài, một người phụ nữ đội nón vải mang khẩu trang bước đến. Chị ra dấu với chị Minh Tân rồi cười. "Dì 9 con đó, tên là Bích Lợi, 49 tuổi", Hà nói với chúng tôi. 

{keywords}

Hai chị em buôn bán kề cận bên nhau

Chị tiếp lời: "Dì cũng 3 con, chồng bỏ đi vì không đủ sống. Dì chỉ đi lượm ve chai trong chợ, trên các con đường quanh chợ từ sáng đến tối. Công việc của dì rất vất vả. Dì đi bới từng bịch rác ven đường tìm những thứ mà người ta vứt đi để gom lại đem bán. 

3 đứa con của dì thì hai đứa lớn rất ngoan, chăm học. Đứa học lớp 10, một đứa học lớp 12. Dì khổ nhưng thấy con mình vậy dì vui lắm".

{keywords}

Chị Bích Lợi lượm phế liệu từng những bịch rác.

Hà cho biết thêm: "Con còn có một người cậu câm, điếc sửa xe đạp ở góc đường Bà Hạt - Ngô Gia Tự. Cậu cũng vất vả bởi cả ngày ở ngoài đường mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Cũng may, cậu chỉ lo cho cậu chưa phải nuôi con".

Hà mời chúng tôi về nhà. Nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm 268 Vĩnh Viễn, diện tích khoảng hơn 30 m2, có thêm gác xép bằng gỗ. Bước vào bên trong, chị Minh San, chị thứ 4 trong gia đình, đã 57 tuổi, đón tiếp chúng tôi. 

{keywords}

Thu Hà con chị Minh Tân.

Chị San cho biết, vào giờ này, trong nhà chỉ có 2 người là chị và chị Minh Châu bị câm điếc. Chị Minh Châu, đã 60 tuổi, lo việc sắp xếp nhà cửa còn công việc bếp núc ăn uống thì do chị San phụ trách. 

{keywords}

Căn nhà nhỏ trong hẻm hẹp nơi 3 thế hệ trú ngụ.

Chị chia sẻ thêm: "Căn nhà này là của ba má tôi để lại, nhỏ nhưng sức chứa lên đến 3 thế hệ. Vợ chồng, con cái dâu rể và các cháu nội, ngoại tất cả 29 người ngụ tại đây. Nhà đã xuống cấp nặng, nhiều chỗ mối mọt gặm nhắm có nguy cơ đổ sập. 

Anh chị em chúng tôi bàn nhau tìm cách sửa lại nhưng vẫn bế tắc vì không ai có đủ khả năng. Chúng tôi cũng nghĩ đến vay mượn nhưng rồi lấy gì để trả".

Chị kể thêm: "Chúng tôi tuy rất nghèo, tuy tật nguyền nhưng lại rất yêu thương nhau. Sống chung trong một mái nhà, kinh tế mạnh ai nấy lo nhưng nếu một người trong số chúng tôi có vấn đề thì tất cả cùng nhau chung tay lo lắng. Có thể đây cũng là chút niềm vui còn sót lại trong cuộc sống bộn bề lo toan này".

Qua tiếp xúc chúng tôi không hề nghe một câu than vãn, một lời oán trách. Dù khỏe mạnh, lành lặn hay tật nguyền ngày qua ngày họ vẫn cần mẫn làm ăn, thương yêu và đùm bọc nhau.

Khu mộ cổ của bá hộ giàu nhất Sài Gòn xưa

Khu mộ cổ của bá hộ giàu nhất Sài Gòn xưa

Người nằm trong mộ, vợ chồng ông Lý Tường Quan hay còn gọi là bá hộ Xường - người giàu có thứ 3 ở Nam kỳ lục tỉnh.

Án oan nghiệt ngã khiến nam ca sỹ chết lặng

Án oan nghiệt ngã khiến nam ca sỹ chết lặng

Ca sỹ Minh Hải từng cay đắng mang "án oan" nghiện ngập, bị gia đình và người thân quay lưng khi theo đuổi con đường nghệ thuật...

Trần Chánh Nghĩa