Stephens đến Tonga vào một ngày cuối tháng 3/2020 với dự định nghỉ dưỡng cuối tuần. Trước đó, cô từng có 2 năm rưỡi sống tại Trung Quốc. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại quốc gia này, Stephens đã quyết định đi du lịch vòng quanh các nước châu Á khác và tới Tonga, một quốc đảo nằm phía Nam Thái Bình Dương.
Dù bị mắc kẹt suốt 18 tháng nhưng Stephens luôn cho rằng mình may mắn khi được sống giữa "thiên đường", nơi có biển xanh cát trắng và đặc biệt là không có bóng dáng Covid-19. Ở Tonga, đất nước vỏn vẹn 100.000 dân này, người dân vẫn được tự do đi lại, không phải đeo khẩu trang cũng như không bị nhắc nhở về việc phải rửa tay thường xuyên.
Zoe Stephens bị mắc kẹt 18 tháng ở Tonga |
Vốn là một đảo quốc du lịch, hàng năm Tonga đón hàng ngàn du khách tới tham quan vào mùa cá voi lên. Đây là một trong những nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể hòa mình vào dòng nước để vui đùa cùng những chú cá voi. Nhưng hiện tại, quốc gia này không thể mở cửa đón du khách khiến nhiều ngành dịch vụ gặp khó khăn, trong đó có ngành du lịch.
Năm 2019, Tonga đón tới 94.000 du khách quốc tế tới tham quan và lặn biển |
Là một đảo quốc biệt lập, chính phủ Tonga rất quan tâm tới hệ thống chăm sóc sức khỏe và đặc biệt nỗ lực trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của loại virus nguy hiểm này.
Tonga ban bố tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 3 năm 2020 và đóng cửa hoàn toàn từ đó tới nay. Hàng tuần vẫn có một vài chuyến bay chở hàng của Air New Zealand tới một vài điểm định sẵn trên đảo sau khi trải qua những quy định kiểm tra rất nghiêm ngặt. Còn mọi đường bay thương mại bằng Fiji Airways đều phải tạm ngưng. Đây cũng là hai hãng hàng không duy nhất được khai thác các chuyến bay đến và đi từ Tonga.
Air New Zealand là một trong hai hãng hàng không được khai thác các chuyến bay ở Tonga |
Tonga có một hãng hàng không nội địa nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, thiếu khách du lịch nên hãng này đã nhanh chóng phá sản. Tuy nhiên, nước này có thể sẽ triển khai lại hệ thống hàng không nội địa để thúc đẩy du lịch trong nước.
Thời điểm đầu khi lệnh cấm mới được áp dụng, chính phủ Tonga đã cho phép triển khai một vài chuyến bay hồi hương cho các du khách mắc kẹt lại trên đảo.
Những chuyến bay về Mỹ yêu cầu đơn xin phép thông qua Hệ thống Điện tử Ủy quyền Du lịch (ESTA) rất khó xin, đặc biệt với những trường hợp từng đi du lịch tới Triều Tiên như chị. Có một chuyến bay khác về Đức vào giữa tháng 4/2020, đúng vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở châu Âu nên cô đã quyết định ở lại Tonga.
Stephens quyết định ở lại trên đảo |
Tonga cũng có một vài chuyến bay đưa khoảng dưới 60 hành khách đa phần là các bác sĩ và y tá người Tonga về nước. Những hành khách này ngay sau khi trở về đều được đưa đi cách ly 14 ngày ở khách sạn dưới sự hộ tống của cảnh sát và quân đội. Khu vực khách sạn được chọn cách ly có một con sông nằm cắt ngang, thậm chí không thể lái xe qua lại.
Stephens cho biết việc phải đối mặt với thực tế bị mắc kẹt ở đây thậm chí không khó khăn bằng việc phải chứng kiến gia đình và bạn bè cô vật lộn từng ngày, từng giờ với dịch bệnh tại quê hương.
Dù không có sự hiện diện của Covid-19 nhưng thời điểm cuối tháng 3 năm ngoái, chính phủ Tonga vẫn thực hiện giãn cách xã hội trong 3 tuần. Theo đó, tất cả các nhà hàng, quán bar địa phương đều phải đóng cửa.
Người dân chỉ được phép ra ngoài trong những trường hợp thật cần thiết. Khi ra ngoài, mỗi người đều phải khai báo tại các chốt kiểm soát của cảnh sát. Trung tâm thủ đô Tonga gần như không có bóng người và chỉ có 2 cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu được phép mở cửa.
Tonga vắng lặng mùa dịch |
Sau khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, các nhà hàng, quán bar đã được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn phải đóng cửa theo giờ giới nghiêm. Người dân thì tập làm quen với trạng thái "bình thường mới".
Stephens hy vọng có thể trở về Anh vào cuối tháng 8 này nhưng đến nay lịch trình của các chuyến bay vẫn liên tục bị thay đổi. Thời gian còn ở Tonga, cô tìm cách để bản thân luôn bận rộn bằng hàng loạt những hoạt động như chèo thuyền, lặn biển và nhận những công việc có thể làm từ xa.
Zoe Stephens vẫn luôn tự trấn an rằng "trong cái rủi có cái may". Tonga đã nhận được 24.000 liều vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX - sáng kiến toàn cầu nhằm giúp các quốc gia tiếp cận công bằng với vaccine và Stephens nằm trong số những người được tiêm phòng đủ 2 mũi.
Đỗ An (Theo CNN, Koryo Group, Stephens Blog)