Bà Phạm Thị Thúy (SN 1967, trú tại Khu 3, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long)- chị gái ruột của bà Phạm Thị Yến (SN 1970, người tham gia giảng về ‘vong báo oán’ và ‘oan gia trái chủ’ để thu tiền ở chùa Ba Vàng) cho biết, ngày mới kết hôn, bà Yến có cuộc sống yên bình bên gia đình mới.
Không làm ra nhiều tiền nhưng bù lại ông Phan Văn Đàm, chồng cũ của bà Yến, yêu thương vợ con và chịu khó làm ăn.
Thời gian đó, ông Đàm làm công nhân nhà máy, bà Yến là thợ may tại chợ Hạ Long 1. Cuộc sống của họ không quá khá giả nhưng êm ấm.
Ban ngày đi làm, tối đến ông Đàm dành thời gian phụ vợ việc nhà, chăm sóc con. Người đàn ông này cũng không sử dụng rượu bia, thuốc lá hay dính vào các tệ nạn xã hội…
‘Gia đình tôi bảo Yến may mắn lấy được người chồng như em Đàm. Em rể cũ của gia đình tôi hiền lành, chưa thấy nặng lời với ai bao giờ. Về đối nhân xử thế, Đàm là người chu đáo. Từ ngày làm rể, gia đình tôi chưa phàn nàn em rể điều gì’, chị gái bà Yến cho biết.
Bà Phạm Thị Yến tham gia thuyết giảng tại chùa Ba Vàng (Ảnh chụp từ video) |
Người phụ nữ này nói, hiện bà Yến và chồng đã ly hôn nhưng thỉnh thoảng ông Đàm vẫn qua lại, hỏi thăm gia đình vợ cũ.
Cũng theo lời bà Thúy, thời gian đầu mới lập gia đình, bà Yến chăm sóc chồng con và rất vun vén nhà cửa.
‘Bố mẹ tôi sinh được 5 người con, Yến là con thứ 3. Từ nhỏ chúng tôi được bố mẹ giáo dục rất nề nếp, tuyệt nhiên không nói bậy, chửi thề. Anh, chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Từ ngày Yến lên chùa, xa cách anh em khiến gia đình tôi thêm buồn lòng’, bà Thúy nói.
‘Trong 3 năm liên tiếp, gia đình tôi có 3 người mất. Năm đầu là chị gái, năm thứ 2 là bố, năm thứ 3 là mẹ. Yến đưa bố và mẹ tôi lên chùa Ba Vàng làm lễ ‘thỉnh vong’ cúng ‘oan gia trái chủ’. Nhưng sau đó, hai cụ sức khỏe suy kiệt rồi qua đời. Tôi lựa lời nói chuyện nhưng em gần như từ mặt tôi’, bà Thúy tiếp tục chia sẻ.
Ông Phan Văn Đàm, chồng cũ bà Yến, cho biết: ‘Thời gian trước, bà Yến không chỉ nói với hàng xóm mà còn tung tin khắp nơi việc mình bị bệnh nan y nhưng đây không phải là sự thật. Khi còn sống chung một nhà, thấy bà ấy tuyên truyền chuyện hoang đường về tâm linh, tôi nhiều lần khuyên nhủ nhưng bà ấy không nghe’. Mối quan hệ của họ vì thế nảy sinh nhiều vấn đề.
Cuối cùng, vợ cũ của ông Đàm nghỉ việc thợ may ở chợ và chuyển lên chùa Ba Vàng ở hẳn. Sau 7 năm ly thân, năm 2017, họ đặt bút ký vào lá đơn ly hôn.
Căn nhà của bà Yến sinh sống cùng chồng cũ trước đây |
Từ ngày xảy ra vụ việc vợ cũ thuyết giảng về ‘vong báo oán’ và ‘cúng oan gia trái chủ’ thu tiền gây xôn xao dư luận tại chùa Ba Vàng, cuộc sống của gia đình ông Đàm vẫn bình thường, không có gì xáo trộn.
Tuy nhiên nhiều người hay hỏi thăm, làm phiền khiến ông áp lực, mệt mỏi.
Người đàn ông này cũng chia sẻ, từ ngày ly hôn, sống cảnh ‘gà trống nuôi con’, ông dành hết thời gian làm lụng, nuôi dạy con nên người.
‘Tôi không muốn nhắc nhiều đến vợ cũ vì cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kết thúc. Điều tôi quan tâm lớn nhất lúc này của tôi là con trai út, mong cháu học hành và nên người’, chồng cũ bà Yến thông tin.
Sau khi xảy ra việc lùm xùm tại chùa Ba Vàng, bà Yến được xác nhận là không còn xuất hiện tại ngôi chùa này ở TP Uông Bí. Sáng 26/3, Chủ tịch TP Uông Bí thông tin, bà Phạm Thị Yến đã trở về TP Hạ Long.
UBND phường Quang Trung (TP. Uông Bí) cũng đã ra quyết định xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm nếp sống văn hoá của bà Phạm Thị Yến. Mức phạt là 5 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đang làm rõ các hành vi vi phạm tiếp theo như: Thông tin, trục lợi... của người phụ nữ này.
Chiều 26/3, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam phía Bắc cũng kết luận, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh để cho phật tử Phạm Thị Yến đăng đàn thuyết pháp tại chùa Ba Vàng là không đúng. Giáo hội yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt mọi hoạt động ‘thỉnh vong’, ‘cúng oan gia trái chủ’.
Thầy Thái Minh bị tạm đình chỉ tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo
Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương GHPGVN, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.
Nam Phương - Thành Hưng