- Đã có du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi bị bỏ rơi nơi xứ người. Một số trung tâm gắn mác "tư vấn du học", vì mục tiêu lợi nhuận đã không quản các chiêu thức tìm mọi cách tuyển sinh.
Các du học sinh đã phải xoay xở, chật vật trang trải chi phí hàng ngày. Ảnh từ phóng sự " Du học sinh Việt tại Nhật vỡ mộng vì cả tin" được VTV phát sóng vào ngày 26/11/2013 |
Cuộc ngã giá từ A đến Z...
Phải mất rất nhiều thời gian dò hỏi, chúng tôi mới tìm được trung tâm du học tại một khu đô thị mới của một quận nội thành Hà Nội. Trung tâm được xây dựng trên diện tích chừng 100m2, kiêm nhiệm các chức năng: tư vấn tuyển sinh, tiếp khách, phòng làm việc của vài chục nhân viên; nơi dạy tiếng, nhà trọ cho các học viên từ ngoại tỉnh lên ăn ở trong thời gian học tiếng và chờ bay.
Đặt vấn đề tìm hiểu thông tin cho đứa cháu sắp sửa tốt nghiệp cấp 3 đi du học vừa học vừa làm tại Nhật Bản, vị giám đốc trung tâm ngoài 30 tuổi “huỵch toẹt”: giá trọn gói 10.200 USD, “cắt” lại “phí môi giới” là 500 USD/cháu.
“Trung tâm sẽ có trách nhiệm lo “từ A đến Z” để cháu nhà anh có visa bay sang Nhật, học tại trường bất kỳ nào của Nhật. Chỉ phát sinh duy nhất một loại phí, đó là phí “chứng minh thu nhập” – vị giám đốc tư vấn.
"Chúng tôi sẽ lo cho cháu tất cả mọi thứ, vé máy bay bay sang Nhật, hộ chiếu, phí chống trượt, phí chứng minh thu nhập, nếu muốn trung tâm thuê nhà trong thời gian đầu thì trung tâm sẽ lo cho, với mức 1.000USD/03 tháng, còn nếu gia đình và các cháu tự lo được thì gia đình sẽ lo" - cam kết của nhà tư vấn.
Ngoài ra, chúng tôi đảm bảo 100% các cháu sẽ có việc làm, có thu nhập ngay từ tuần thứ hai sau khi sang bên đó. Chúng nó làm ăn tốt lắm, có tiền gửi về nhà, rồi đứa nọ mách đứa kia, có đứa đi được, cả xóm, cả làng cùng quê cũng “đua nhau” đi theo, vui lắm.
“Phí chống trượt” mà GĐ trung tâm du học này nói, chính là yêu cầu tối thiểu và bắt buộc một học viên phải đạt qua một trình độ tiếng Nhật nhất định. Theo quy định, học viên muốn được nhập học tại một trường ĐH Nhật Bản phải đạt trình độ tiếng Nhật “Kiu5” đến “Kiu3” (N3 đến N5 – mức xếp hạng trình độ tiếng Nhật được trung tâm đưa ra).
“Phí chứng minh thu nhập” - theo giải thích của vị giám đốc - đó là mỗi học viên đi du học, gia đình phải chứng minh mức thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/tháng; có một sổ tiết kiệm gửi ngân hàng với giá trị khoảng 600 triệu đồng, giống như yêu cầu đảm bảo tài chính để không thành “gánh nặng” cho những nước mà học viên theo học.
“Trung tâm sẽ làm luôn thu tục này cho. Anh bảo, bố mẹ chúng nó toàn nông dân ở nhà, làm gì có tiền, tiền cho con đi cũng phải vay mượn, chay đôn chạy đáo, có ai có mức thu nhập ấy... Chúng tôi làm được tất” - vẫn tư vấn của vị giám đốc.
Mức phí này là tại trung tâm mà chúng tôi tìm hiểu là 5 triệu đồng.
100% học sinh "bay" được hết?
Khi được thắc mắc về việc, sẽ có cơ quan chức năng kiểm tra thông tin từ phía gia đình các học viên bằng cách gọi điện hoặc liên lạc về với gia đình, vị giám đốc không giấu giếm: Nói thật với anh, chúng tôi cũng kiêm luôn việc trả lời đó. Chúng tôi có cả ngàn thuê bao điện thoại (cố định). Những cơ quan đó họ sẽ liên hệ tới các thuê bao này, người trả lời cũng chính là nhân viên của chúng tôi. Người ở quê, biết gì mà trả lời. Thế cho nên, trung tâm chúng tôi 100% đảm bảo học sinh “bay” được hết.
Câu chuyện của trung tâm tiết lộ một quy trình khép kín: toàn bộ thông tin, giấy tờ, thủ tục của học viên sẽ được trung tâm môi giới hoàn thiện, trong đó không loại trừ khả năng có một phần là các giấy tờ giả đã qua mắt các cơ quan quản lý?
Không để người học do dự, vị giám đốc nói tiếp: trung tâm vừa “chuyển” hơn 100 học viên sang Nhật. Đợt tiếp theo là hơn 200 học viên.
Điều quan trọng nhất, là các cháu sang Nhật sẽ ở trong môi trường như thế nào, học tập tại trường nào, điều kiện sống, điều kiện làm thêm để các cháu có thể tự trang trải... ra làm sao, thì nữ giám đốc này không hề đề cập.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến rất nhiều học viên, khi “bay trót lọt” sang Nhật Bản, đã nhanh chóng phải đối mặt với tình cảnh dở khóc dở cười: hết tiền, không việc làm, không có trường nào tiếp nhận, không nhà trò, chỗ ở?
Bài 2: Những chiêu trò 'gom' học viên du học
- Thiên Bình