Hôn nhân của Liên và chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Cô từng viết đơn ly hôn và đỉnh điểm chồng cầm can xăng tưới quanh giường đốt vợ. Sau tai nạn ấy là chuỗi ngày gắn với giường bệnh và những đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần.
Lời tòa soạn
Bạo lực gia đình được Liên Hợp Quốc gọi là “đại dịch trong bóng tối”. Theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam công bố năm 2020, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay.
Báo VietNamNet đăng tuyến bài: Sự hồi sinh đằng sau “đại dịch trong bóng tối”
“Chồng cầm can xăng ở góc nhà tưới lên người tôi và quanh giường, tôi sợ hãi ngã xuống đất. Tôi quay mặt vào trong khóc, khi ngoái lại thì lửa đã bùng bên cạnh, bén sang người. Tôi đã vùng vẫy trong hoảng loạn và đi cấp cứu với tình trạng bỏng 79% cơ thể”. Đó là nỗi đau của chị Vũ Thị Bích Liên (27 tuổi, trú tại Quang Trung, Kiến Xương, Thái Bình) sau cuộc hôn nhân kéo dài 4 tháng.
Ký ức kinh hoàng
Tháng 12/2016, Liên kết hôn với Vũ Văn Nhật (23 tuổi). Sau đám cưới 2 tháng, vợ chồng Liên lên Tiểu khu 84/85 thị trấn Nông trường (Mộc Châu, tỉnh Sơn La) để làm ăn sinh sống. Hai người chưa có con nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, Liên đã viết đơn ly hôn, chưa gửi lên tòa.
Sáng 17/3, chồng đi giao sữa nhưng tới đầu giờ chiều mới trở về nhà trong tình trạng say rượu nên vợ chồng Liên lại cãi cọ. Người đàn ông này đã cầm can xăng tưới lên người vợ đang ở trên giường và khu vực xung quanh. Sau đó, anh ta giơ chiếc bật lửa lên dọa châm lửa đốt.
Sợ hãi, người phụ nữ trẻ đã kêu cứu nhưng bị chồng lao vào ngồi đè lên, túm cổ áo giật và lắc mạnh rồi chửi bới. Nghĩ chồng dọa, Liên quay mặt vào phía trong khóc, khi quay lại đã thấy ngọn lửa bén sang người.
Thấy lửa cháy dữ dội, người chồng mới tri hô nhờ người cứu. Hàng xóm đã chạy sang dập lửa và đưa Liên vào Bệnh viện huyện Mộc Châu sơ cứu rồi chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác ở Hà Nội.
Thời điểm vào viện, bác sĩ chẩn đoán cô bị bỏng 79% toàn bộ cơ thể, trong đó 54% là bị bỏng sâu. Thậm chí, bác sĩ 2 lần gọi người thân vào khuyên nên đưa Liên về quê. Gia đình cũng nghĩ rằng cô “chắc khó qua khỏi, bỏng xăng cơ mà”.
Toàn thân bỏng nặng nhưng Liên may mắn giữ được khuôn mặt an toàn. Những ngày cấp cứu tại đây, cô nằm bất động, băng trắng quấn quanh người. Bản thân Liên cũng nghĩ rằng mình sẽ chết.
Vượt qua giai đoạn cấp tính, Liên trải qua 7 cuộc phẫu thuật ghép da. Tuy nhiên, toàn thân bỏng, vùng da lành vô cùng hiếm hoi. Bác sĩ phải lấy từ da đầu để ghép, nhiều khi da đầu mỏng tang như lá lúa. Bác sĩ lại cóp nhặt những vùng da lành còn sót lại. Mỗi lần ghép da, thay băng, Liên cảm nhận nỗi đau xé thịt. Mùi máu tanh, hôi nồng của vùng da hoại tử cộng với cồn sát trùng khiến cô cảm thấy “lấy oxy” cũng khó khăn. Cảm giác “sống không bằng chết”, Liên từng xin bác sĩ “để em tự ra đi cho nhanh vì quá đau đớn, cắt da, cắt thịt”.
Trong giai đoạn này, Liên còn nhiễm nấm huyết, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, nấm ký sinh trong cả mô tạng khiến vết thương ghép da lâu lành hơn. Không những thế, các thuốc sử dụng điều trị cho cô rất đắt đỏ. Liên thấy mình may mắn khi có người thân đồng hành. Cuối cùng, cô gái cũng hợp thuốc, các vết thương trên da dần liền lại. Cô giữ được mạng sống nhưng vết sẹo, tổn thương do bỏng xăng theo cô suốt đời.
Dù vậy, mỗi lần thay đổi thời tiết, da của cô ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Nỗi đau về thể xác và tinh thần đè nặng lên Liên. Cơ quan giám định Liên bị thương tích vùng mặt, cổ, ngực, bụng, hai tay, hai chân do bỏng nhiệt (bỏng do xăng) 48%, độ II, III, IV, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 73%. Người chồng bị tòa xử án 5 năm tù giam.
Trang mới cuộc đời
Sau khi điều trị thành công, Liên trở về quê sống cùng gia đình. Cô đi học thêm dược để có thể tự kiếm việc và trả nợ phần chi phí điều trị khổng lồ.
Thời gian đầu quay trở lại cộng đồng, Liên tự ti vì thân hình của mình nhưng cố gắng vượt qua mặc cảm này. Đến bây giờ, cô vẫn sợ khi nhìn thấy ánh lửa, tinh thần chưa thể vực dậy hoàn toàn. Hiện tại, cô đã có việc làm, đứng bán thuốc ở quê Thái Bình. Cuộc sống mới giúp cô ngày càng trưởng thành hơn.
Vượt qua nỗi đau của bạo lực gia đình, Liên nhận thấy bi kịch của cô do kết hôn khi chưa đủ chín chắn. Đang học năm thứ 2 đại học, cô đã bỏ lại hết đi theo tiếng gọi của tình yêu nhưng đã chọn sai. Khi tai nạn xảy ra, Liên cũng chịu nhiều tiếng ỉ ôi của người đời khi cho rằng cô bỏ học lấy chồng, giờ mất trắng lại thương tật vĩnh viễn.
“Sinh ra là phụ nữ đã khổ, nếu chọn sai người đàn ông thì cuộc đời khổ trăm bề”, Liên trải lòng.
Liên không còn hận chồng cũ nữa bởi đó là nghiệt duyên. Cô chỉ muốn gửi gắm tới các bạn trẻ không nên kết hôn quá sớm, khi chưa đủ chín chắn xử lý những xung đột hôn nhân có thể dẫn đến tai họa khôn lường. Đám cưới của Liên đã suýt trả giá bằng mạng sống, người đàn ông từng được cô yêu nhất rơi vào cảnh tù tội.