ANH - Ba năm sau khi phẫu thuật, George đã gặp được người phụ nữ âm thầm hiến tế bào gốc giúp cậu điều trị ung thư máu.
George Shaw, 15 tuổi, đã rất vui mừng khi lần đầu tiên gặp Kimmy Strelley, 38 tuổi - ân nhân cứu mạng của mình. George cảm ơn Kimmy vì cô đã hiến tủy giúp cậu bé có cơ hội tiếp tục sống.
Theo The Sun, nam sinh người Anh mắc một dạng bệnh bạch cầu hiếm gặp, kháng với hóa trị liệu thông thường. Điều đó đồng nghĩa ghép tế bào gốc là lựa chọn duy nhất của bệnh nhân. Tuy nhiên, ngay cả anh sinh đôi của George là Stephan cũng không phải người hiến phù hợp.
Cơ may hiếm hoi đã tới khi Kimmy Strelley là một trong số ít người trên toàn thế giới có thể giúp cho George. Cô đã hiến tế bào gốc vào tháng 12/2021. Ngay sau đó, ca phẫu thuật cứu sống George được tiến hành vào hôm sau tại Bệnh viện Nhi Sheffield.
Theo quy định ở Anh, người hiến tặng và người nhận phải ẩn danh trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, họ có thể viết thư cho nhau. Kimmy và George đã quyết định giữ liên lạc bằng cách đó.
Sau khi George kết thúc quá trình điều trị, gia đình cậu hẹn gặp với Kimmy - thợ làm tóc sống ở Flitton, Beds. Buổi hội ngộ diễn ra gần 3 năm sau ca phẫu thuật.
George tâm sự: “Cuộc sống của cháu giờ đã tốt đẹp hơn rất nhiều, thật tuyệt khi được gặp Kimmy hôm nay. Cô ấy đã cho cháu thêm cơ hội để sống, để những khoảnh khắc như hôm nay có thể xảy ra”.
Tới buổi hội ngộ đặc biệt, Kimmy đi cùng con trai. “Tôi rất vui mừng khi được trao cơ hội hiến tặng. Tôi cũng cảm thấy có rất nhiều trách nhiệm vì tôi thực sự quan tâm đến việc giúp đỡ người nhận. Lúc đó, tôi không biết George nhưng tôi thực sự hy vọng rằng tế bào của mình có hiệu quả và bệnh nhân sẽ ổn”, Kimmy bày tỏ.
Cô cũng khiêm tốn khẳng định mình chỉ là “1 mảnh ghép trong quá trình hồi phục của George”.
George hiện sống cùng cha mẹ, người anh sinh đôi và 5 chú chó của họ. Cậu đã trở lại chơi bóng bầu dục và quyên góp được 2.000 USD cho bệnh viện nhờ hoạt động thiện nguyện của mình.
Tiến sĩ Katharine Patrick, bác sĩ tư vấn huyết học nhi khoa, cho biết: "Thực sự có rất ít cơ hội trong cuộc sống để cứu mạng người khác. Đó chính xác là những gì Kimmy đã làm”.
Bệnh bạch cầu xảy ra khi các tế bào máu bị ung thư hóa nhân lên rất nhanh. Nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường. Do các tế bào ung thư có thể lan đi rất xa trong cơ thể nên gây ra hàng loạt triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau như dễ bị nhiễm khuẩn; thiếu máu gây thở gấp, hoa mắt, mệt mỏi; tăng nguy cơ chảy máu ngay cả với chấn thương nhẹ.
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp làm giảm nguy cơ tái phát và đạt gần đến tình trạng chữa khỏi bệnh. Ghép tế bào gốc tạo máu sử dụng hóa trị/xạ trị toàn thân liều cao để phá hủy tối đa số lượng tế bào bạch cầu ác tính. Vì phương pháp điều trị này làm tổn thương cả các tế bào gốc tạo máu bình thường nên cần ghép các tế bào gốc mới sau khi điều trị.
Các bác sĩ ung thư yêu thích rau họ cải đã được chứng minh có thể làm chậm sự phát triển của ung thư. Khoai lang cũng có tác dụng ngừa ung thư, tốt cho tim, mắt, não.