"Các em có tự tin không? Có thể chữa cho các bệnh nhân nặng không?"
Thủ tướng Phạm Minh Chính lặp lại câu hỏi nhiều lần khi kết nối trực tuyến tới các điểm cầu Trung tâm y tế tuyến huyện, qua nền tảng Telehealth chiều 8/8. Ông kỳ vọng các bác sĩ tuyến cơ sở sẽ có thêm tự tin để cứu chữa bệnh nhân kịp thời với sự giúp đỡ của các chuyên gia tuyến trên thông qua một nền tảng mới, giúp kết nối nhanh và thuận tiện hơn.
Thủ tướng thực hiện kết nối tới các điểm cầu trên Nền tảng khám bệnh từ xa. (Ảnh: Anh Dũng) |
Vận hành từ tháng 4/2020, Nền tảng Telehealth đã kết nối hơn 30 bệnh viện Trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới và cho thấy hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Sau nhiều nỗ lực, Nền tảng Telehealth đã kết nối thêm 328 cơ sở y tế tuyến huyện, tạo thành mạng lưới tới toàn bộ 700 huyện trên khắp đất nước kể cả những nơi xa xôi, khó kết nối. Bật các điểm cầu trực tuyến, giới hạn giữa các tuyến được xóa nhòa; những ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
“Ở đâu cần tư vấn nữa không? Ở đâu còn cấp cứu, nhất là các ca bệnh nặng?" Thủ tướng đặt hỏi trên hệ thống sau khi trực tiếp nghe các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn với bác sĩ ở trung tâm y tế tuyến dưới.
Ngày 8/8, khi Bộ TT&TT và Bộ Y tế công bố kết nối Nền tảng Telehealth đến 100% tuyến huyện sau 2,5 ngày triển khai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành phần lớn thời gian để kết nối đến 20 trong số 700 điểm cầu ở các trung tâm y tế tuyến huyện cùng lúc được kết nối trực tuyến. Có những y, bác sĩ ở nhiều trung tâm y tế lần đầu thực hiện thao tác vì hệ thống mới chỉ lắp 2 ngày.
Một bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã nêu thắc mắc trong vấn đề sử dụng hai loại thuốc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở tuyến 2. Do kinh nghiệm điều trị chưa nhiều, bác sĩ này đặt câu hỏi: “Liệu mình có thể sử dụng sớm thuốc hay khi bệnh nhân chuyển nặng mới sử dụng?” Các chuyên gia bệnh viện Chợ Rẫy đã có những giải đáp, tư vấn trực tiếp ngay trên hệ thống, đồng thời cũng chia sẻ: “Các trung tâm tuyến huyện an tâm điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Khi điều trị đúng phác đồ thì bệnh nhân sẽ không tiến triển nặng thêm”.
“Bệnh viện Thống Nhất rõ chưa?" Thủ tướng đặt câu hỏi. "Các em có tự tin không?" Có thêm phương tiện này và sự trợ giúp của các thầy cô, các em có tự tin chữa trị cho bệnh nhân nặng mà không phải chuyển lên tuyến trên không?
Thủ tướng đã lặp lại những câu hỏi này ở hầu hết các điểm cầu mà ông thực hiện kết nối. “Bây giờ huyện nào cũng có bệnh nhân cả. Nếu ta lo được ở tuyến huyện thì đỡ cho các bác sĩ tuyến trên”.
Niềm tin cho người đầu tuyến
Hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã kết nối tới 700 huyện. (Ảnh: Anh Dũng) |
Trung tâm y tế thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đang thực hiện nhiệm vụ điều trị ở tầng 1 và điều trị cho 166 bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ và trung bình. Thời gian qua, trung tâm đã cho ra viện 150 trường hợp, chuyển tuyến trên 5 trường hợp. “Với Hệ thống kết nối trực tuyến khám chữa bệnh từ xa, anh em bác sĩ rất vững tâm, có niềm tin lớn và hi vọng sắp tới sẽ có nhiều trao đổi hơn nữa để có thể chữa trị thêm nhiều người bệnh”, đại diện trung tâm cho hay.
Một bác sĩ ở Trung tâm y tế Bù Gia Mập (Bình Phước) cũng chia sẻ: "Có được một kênh truyền hình trực tuyến để hội chẩn với các thầy cô ở tuyến trên, chúng em rất tự tin trong công tác điều trị sớm với những trường hợp nặng, có thể phân tầng chuyển lên tuyến trên nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho sức khỏe người bệnh."
Thường xuyên thực hiện các ca hội chẩn trên hệ thống, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Hệ thống Telehealth triển khai trước đây đã cho thấy hiệu quả lớn. Khi đưa đến tuyến huyện sẽ giúp giảm thiểu cho tuyến trên, nhất là các vùng tâm dịch như TP.HCM. “Hệ thống này rất tốt để thực hiện chiến lược đánh chặn từ xa không cho bệnh nhân trở nặng. Để hiệu quả cứu người bệnh càng cao, tỷ lệ tử vong thấp thì phải ngăn chặn bệnh nhân trở nặng. Đây sẽ là hệ thống hiệu quả cho điều trị bệnh nhân Covid-19”, bác sĩ Thức nói.
Khi hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối thông suốt tới hầu hết các điểm cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có thể yên tâm hệ thống vận hành thông suốt trong thời gian tới.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Bộ Y tế, Bộ TT&TT, các cán bộ, y bác sĩ các cấp, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ đã xây dựng và đưa nền tảng hỗ trợ tư vấn đi và hoạt động trong thời gian ngắn.
Thủ tướng đánh giá: “Việc kết nối được với nền tảng khám chữa bệnh từ xa sẽ có thêm một kênh rất quan trọng để các em tham khảo, khi mà năng lực, kinh nghiệm của chúng ta còn có hạn bởi chống dịch là chưa có tiền lệ. Cho nên phải có tham khảo ý kiến, có tư vấn và có hướng dẫn. Có thêm kênh này để các em có điều kiện khi có khó khăn, khi cần thì có thể hỏi ngay các bác sĩ có kinh nghiệm ở tuyến trên, giúp các bác sĩ yên tâm tự tin hơn trong công tác điều trị”.
Đưa nền tảng Telehealth kết nối đến tận tuyến cơ sở có ý nghĩa lớn với công tác điều trị khi giúp các bác sĩ tuyến dưới có thêm kiến thức, tự tin để kịp thời tận dụng “giờ vàng” cứu chữa bệnh nhân, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Đây cũng sẽ là hệ thống hạ tầng cơ sở quan trọng cho khám chữa bệnh theo phương thức từ xa, từ sớm, với mọi loại bệnh tật, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân.
Duy Vũ
Ảnh: Lê Anh Dũng
Kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% huyện
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Hệ thống khám chữa bệnh từ xa được kết nối 100% đến tuyến huyện sẽ góp phần cứu sống thêm nhiều bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên khi năng lực cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở được nâng cao.