“Tôi từng mắc một căn bệnh bẩm sinh hiểm nghèo nhưng ca mổ 30 năm trước đã cứu mạng tôi, cho tôi cuộc sống hiện tại với chồng và 2 đứa con đáng yêu. Bố mẹ luôn kể về ngày tháng tôi bị bệnh thập tử nhất sinh và luôn dặn bằng mọi giá phải tìm về nói lời cảm ơn người bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ 2” - đó là tâm sự của chị Doãn Thị Thúy (32 tuổi, Việt kiều sống tại Cộng hòa Séc).
Hồi sinh khi 2 bệnh viện trả về
Tháng 12/1993, cô bé Doãn Thị Thúy chào đời tại huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) trong niềm vui của đại gia đình. Hai tháng sau, Thúy có các dấu hiệu bỏ ăn, da tím tái, xanh xao, quấy khóc nhiều.
Bố mẹ cô đưa con lên bệnh viện huyện nhưng bác sĩ không thể làm được gì nên trả về. Họ lại bế con lên bệnh viện tỉnh chạy chữa. Tại đây, bác sĩ phát hiện Thúy mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh nhưng cũng chỉ động viên gia đình cho con về vì bệnh không thể chữa được.
Lúc ấy, đôi vợ chồng trẻ ôm đứa con còn trong cữ khóc hết nước mắt. Họ không chấp nhận đầu hàng số phận, muốn cứu con nhưng các thông tin về căn bệnh ngày đó rất ít.
Về quê, bố mẹ Thúy nghe tới Bệnh viện Nhi Thụy Điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương) nên đã bắt xe khách đưa con từ Nam Định lên Hà Nội với hy vọng “biết đâu có cơ hội”. Phòng bệnh nơi cô bé nằm điều trị cũng có 2 trẻ khác bị teo đường mật bẩm sinh sau đó không cứu được.
Đúng thời điểm đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa đi tu nghiệp tại Pháp về. Ông đã nhận mổ cho Thúy nhưng tiên lượng chỉ 50:50. Bố mẹ bệnh nhi "mừng như bắt được vàng", họ tin tưởng tuyệt đối vào ca phẫu thuật. Sau mổ, Thúy dần phục hồi và sự sống bắt đầu.
Thúy được gia đình đưa về quê chăm sóc và bác sĩ Liêm đã viết thư tay dặn dò nhớ 6 tháng lên Hà Nội kiểm tra 1 lần. Bố mẹ cô luôn giữ đúng lịch tái khám đến khi Thúy 5 tuổi.
Hơn 20 năm mong mỏi gặp ân nhân
“Bố mẹ luôn kể về vị bác sĩ đã cứu sống tôi. Ca mổ áp dụng kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Tôi như được sinh ra lần thứ 2 ở bệnh viện nhi đó. Bố mẹ tôi vẫn ghi tạc lòng biết ơn với bác sĩ Liêm”, chị Thúy nhớ lại.
Hơn 10 tuổi, chị Thúy theo bố mẹ sang định cư tại Cộng hòa Séc. Cả gia đình luôn mong mỏi có cơ hội tìm gặp vị ân nhân cứu con gái họ.
Lần trở về Việt Nam này, ngoài ăn Tết cổ truyền với người thân, chị Thúy hy vọng tìm gặp vị bác sĩ năm xưa.
“Tôi luôn mong mỏi và khát khao tìm gặp bác sĩ Liêm. Những người xung quanh còn nói tôi hão huyền, người bình thường làm sao gặp được một chuyên gia lớn như vậy. Tôi tin nếu mình chân thành sẽ gặp được”, chị Thúy kể.
Qua tìm hiểu, chị được biết, Giáo sư Liêm đã nghỉ hưu, không còn làm ở Bệnh viện Nhi Trung ương và sang công tác tại đơn vị y tế tư nhân.
Chị Thúy lập tức đến bệnh viện này đăng ký khám như bệnh nhân thường với hy vọng có thể gặp được bác sĩ Liêm. Người khám cho chị là bác sĩ khác. Chị đã kể lại ca phẫu thuật 30 năm trước với tâm nguyện gặp lại ân nhân.
Qua nhiều lần trao đổi qua điện thoại và đặt lịch, cuộc hẹn được sắp xếp vào một buổi chiều cuối năm. Khi gặp lại vị bác sĩ phẫu thuật cho mình, chị Thúy bật khóc, không thể nói nên lời.
Người phụ nữ này xúc động chia sẻ: “Lời cảm ơn này gia đình tôi đã chờ đợi 30 năm. Tôi là đứa trẻ may mắn và hi hữu được sống sót nhờ bàn tay, khối óc của vị thầy thuốc đáng kính”.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hôm đó, hai vị khách nữ vào phòng của ông ở bệnh viện nhưng một người liên tục khóc không nói được.
“Thì ra đây là một bệnh nhân bị teo đường mật bẩm sinh được tôi phẫu thuật từ năm 1994. Trước ca mổ này, ở Việt Nam chưa có bệnh nhân teo đường mật nào được cứu sống”, Giáo sư Liêm cho biết.
Đầu năm 1994 sau khi học ở Pháp, Giáo sư Liêm đã áp dụng phẫu thuật Kasai cho teo đường mật bẩm sinh và chị Thúy là một trong những người đầu tiên được áp dụng phương pháp mổ này.
“Những giọt nước mắt và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người mẹ trẻ là món quà lớn nhất đối với tôi trong dịp Tết năm nay”, vị giáo sư này chia sẻ.
Video cuộc gặp gỡ của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và chị Doãn Thị Thúy:
Teo đường mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, đặc trưng bởi sự gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của mật. Tần suất gặp ở 1/8.000 - 1/14.000 trẻ sinh sống, châu Á có tỷ lệ mắc bệnh cao. Bệnh xuất hiện với triệu chứng vàng da ứ mật tăng dần, phân bạc màu, gan lách to, suy gan, cổ chướng, tuần hoàn bàng hệ, phù. Theo thống kê, có khoảng 50-80% trẻ sơ sinh bị teo đường mật bẩm sinh nếu không điều trị tốt sẽ tử vong vì xơ gan mật khi trẻ được 1 tuổi. Tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 90-100% lúc trẻ 3 tuổi. |