Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn DN bưu chính  phát triển kinh doanh, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 16/5 đã tổ chức “Tọa đàm thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn vướng mắc và giải pháp”, với sự tham dự của các chuyên gia thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề và hơn 20 DN kinh doanh bưu chính chuyển phát lớn trên cả nước.

Cơ hội bưu chính "vượt mặt" viễn thông

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, 70% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet với thời gian truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần. Điều này đã giúp thương mại điện tử thởi gian qua phát triển mạnh. Năm 2018, thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng 30% so với 2017 và vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.

{keywords}
 Dịch vụ chuyển phát từng ngày trở thành hoạt động quan trọng của nền kinh tế hiện đại.

Thương mại điện tử bùng nổ cuốn theo hoạt động mua sắm trực tuyến phát triển. Dịch vụ kinh doanh qua mạng ngày càng nở rộ, nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến bởi sự tiện dụng mà nó mang lại. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng kéo theo sự xuất hiện của các công ty dịch vụ giao hàng. Từ đó, dịch vụ chuyển phát cũng phát triển nhanh chóng và đang từng ngày trở thành hoạt động quan trọng của nền kinh tế hiện đại.

Tại Việt Nam, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại,... đang tăng nhanh chóng. Trong khi thông tin, tài liệu, thư tín đều được số hóa nhờ Internet phát triển, thì hàng hóa cần vận chuyển mang đến cơ hội cho dịch vụ bưu chính chuyển phát.

Đánh giá về tiềm năng ngành bưu chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Ngành bưu chính không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo, mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics và chính phủ điện tử. Thị trường bưu chính đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều DN. Với tốc độ tăng trưởng 35-40%/năm, khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu.

Ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, cho biết, thời gian tới các DN trong và ngoài nước sẽ đầu tư lớn cho thương mại điện tử tại Việt Nam, là cơ hội để các DN chuyển phát phát triển vượt bậc. Dự báo doanh thu của ngành bưu chính chuyển phát sẽ đạt quy mô hơn 10 tỷ USD vào năm 2020, trong đó nhiều DN sẽ có mức tăng trưởng cao từ 60-200% mỗi năm.

Hợp tác để nâng cao sức mạnh

Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng các DN bưu chính chuyển phát cũng đang đối mặt với thách thức lớn.

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tháng 5/2018 mới chỉ có hơn 300 DN bưu chính chuyển phát được cấp phép hoạt động, thì đến nay đã có trên 400 DN. Thị trường bưu chính chuyển phát nhanh hiện không chỉ được khai thác bởi các công ty truyền thống (Viettel Post, EMS, VNPost), mà các công ty start-up và những công ty đa quốc gia (DHL eCommerce, Grab Express, Lazada Express) cũng nhảy vào. Ngoài ra, còn một loạt các DN bưu chính chuyển phát không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động bưu chính chuyển phát không phép,... Bởi thế, sự cạnh tranh là rất khốc liệt.

{keywords}
Các DN bưu chính trong nước cần hợp tác cùng phát triển

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thách thức lớn của ngành bưu chính chuyển phát hiện nay là năng suất thấp, phần lớn các DN bưu chính hoạt động độc lập, vốn ít. Các DN lại chưa sẵn sàng hợp tác với nhau.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ vẫn chưa tương xứng, do nguồn lực hạn chế; các công nghệ mới như hóa đơn điện tử hay chữ ký số,... vẫn còn mới lạ với các DN bưu chính chuyển phát.

Việc các DN chuyển phát nhỏ liên tục giảm giá cước cũng khiến cho chất lượng dịch vụ không cao và khách hàng không được hưởng những dịch vụ tốt nhất.

Ngoài ra, còn hàng loạt thách thức khách quan như giá nhiên liệu cao, hạ tầng giao thông yếu kém, hay tắc đường, bị cấm xe vào các khu vực theo giờ,... khiến cho việc giao hàng nhanh, đúng hẹn gặp khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, DN phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới để đảm bảo giao hàng nhanh, đúng hẹn, quản lý hàng hóa và khách hàng cho tốt. Cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào kinh doanh. Nếu trước kia mỗi nhân viên chỉ chăm sóc được vài chục khách hàng thì với việc áp dụng AI sẽ giúp chăm mọi khách hàng cùng lúc, mang lại hiệu quả lớn, cùng với đó là quản lý và theo dõi việc vận chuyển tối ưu hơn, ông Trần Văn Trọng nêu ý kiến.

Cùng với đó phải xây dựng hạ tầng kho bãi, đào tạo nguồn nhân lực và tạo dựng mối liên kết mật thiết với các DN cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến.

Một vấn đề được các DN và chuyên gia nêu ra là cần có sự liên kết giữa các DN bưu chính chuyển phát với nhau để sử dụng chung hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả. Đại diện Viettel Post cho biết nếu phải đầu tư toàn bộ cho hạ tầng thì công ty phải chi từ 3.000-5.000 tỷ đồng, đây là số vốn rất lớn và sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh. Nhưng nếu được sử dụng chung hạ tầng với các DN hiện có thì tiết kiệm được rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu cùng hợp tác, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ thì tất cả đều được hưởng lợi.

Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức lấy ý kiến các DN về chủ trương thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Bưu chính Việt Nam để cùng hợp tác phát triển và nhận được sự tán đồng của hầu hết các đơn vị tham dự.

Trần Thủy